Khỉ đột có thể chủ động sử dụng mùi cơ thể để giao tiếp

Nghiên cứu mới về loài khỉ đột đã cho thấy khỉ đột lưng bạc có thể thông báo sự hiện diện của mình bằng mùi hôi, hay ngừng tỏa mùi để trốn tránh những kẻ lạ.
Khỉ đột có thể chủ động sử dụng mùi cơ thể để giao tiếp ảnh 1Con khỉ đực Makumba. (Nguồn: corbisimages.com)

Nghiên cứu mới về loài khỉ đột đã cho thấy khỉ đột lưng bạc có thể thông báo sự hiện diện của mình bằng mùi hôi, hay ngừng tỏa mùi để trốn tránh khỏi những kẻ lạ.

Các nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận này sau khi bám theo và ngửi mùi một chú khỉ đột đực trong nhiều tháng trời, và phát hiện này cho thấy rằng những loài linh trưởng như khỉ đột có thể sử dụng mùi để giao tiếp trong những tình huống xã hội tế nhị.

Kết quả này được Phyllis Lee, đồng tác giả nghiên cứu, một nhà tâm lý học nghiên cứu các loài linh trưởng tại Đại học Stirling, Scotland chia sẻ với tạp chí Live Science.

Đứng đầu những nhóm nhỏ gồm nhiều khỉ đột cái và con của chúng là những con khỉ đực. Khi khỉ đực đến tuổi trưởng thành, chúng sẽ lang thang một mình cho tới khi có thể tự xây dựng “hậu cung” cho riêng mình.

Khỉ đực có thể sẽ phát động những cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm tranh giành những con khỉ cái, và chúng thậm chí có thể giết hại khỉ con hay những con khác trong nhóm. Hầu hết khỉ đột đầu đàn đều có khả năng dàn xếp những tranh chấp này bằng cách thị uy - đập tay lên ngực, kêu gọi và gào thét.

Khỉ đột giao tiếp bằng nhiều tiếng kêu khác nhau, và được cho là không thể giao tiếp bằng mùi. Một phần lý do là bởi kích thước của phần não cảm nhận mùi của khỉ đột đã teo nhỏ lại trong quá trình tiến hóa của loài linh trưởng, và một phần khác là bởi linh trưởng không có cơ quan lá mía mũi - một cơ quan cảm giác có khả năng cảm nhận chất pheromone tỏa ra từ các loài động vật khác.

Tuy nhiên, ông Lee cho biết, trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu khỉ đột như Dian Fossey đã cho rằng mỗi con khỉ đột đều có một mùi hăng nồng giống mùi xạ hương của riêng mình.

Vì thế, Lee và đồng tác giả nghiên cứu, Michelle Klailova, cũng là một nhà tâm lý học nghiên cứu linh trưởng tại Đại học Stirling, đã giành 12 tháng để theo dõi một con khỉ đực lưng bạc ở rừng mưa nước Cộng hòa Trung Phi trong khi con khỉ chăm sóc hậu cung của nó và xua đuổi những kẻ cạnh tranh. Lee cũng cho biết con khỉ đực này được hai nhà khoa học đặt tên là Makumba, là một con đực chiếm ưu thế và con của nó có tỷ lệ sống sót cao.

Trong khoảng thời gian này, đội nghiên cứu huy động các nhà nghiên cứu độc lập để phát hiện mùi của Makumba. Lee cho biết rằng Makumba tỏa mùi cơ thể của mình khi nó gặp các con khỉ đột khác, như thể muốn nói rằng “ta khỏe mạnh, có uy lực và đang ở đây, bảo vệ những con cái và những con con.”

Vào những lúc khác, khi xuất hiện các con khỉ lưng bạc lạ và có thể đe dọa tới nhóm khỉ của Makumba, nó ngay lập tức dừng tỏa mùi lại.

“Chúng tôi nghĩ rằng khi đó nó đang cố gắng không cho các con đực khác biết nó là ai và nó ở đâu,” Lee chia sẻ.

Việc tỏa mùi cơ thể chưa đủ tinh tế để có thể biến thành một thứ ngôn ngữ, Lee nhấn mạnh. Tuy nhiên, mùi cơ thể của Makumba có sự thay đổi tùy theo tình huống, ví dụ như khi con con nhỏ nhất ở gần đó hay ở cùng với mẹ nó, khi hậu cung khỉ cái của nó có mặt ở đó, hay khi có các con khỉ lạ lẩn quẩn xung quanh.

Lee cho rằng việc Makumba có thể nhanh chóng điều khiển khả năng tỏa mùi của bản thân trong các tình huống xã hội tế nhị cho thấy rằng khả năng này ít nhiều cũng được điều khiển một cách có ý thức, chứ không chỉ là một phản ứng khi sợ hãi hay bị kích thích.

Khả năng của Makumba cũng cho thấy rằng mùi cơ thể đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp của loài linh trưởng hơn chúng ta tưởng. Lee cho rằng có thể các loài khỉ khác, như tinh tinh chẳng hạn, cũng sử dụng cách thức tỏa mùi tương tự. Mùi hương cũng là một trong số những cách thức giao tiếp giữa con người với nhau.

“Chúng ta đều sử dụng mùi để truyền tải nhiều loại cảm xúc và mong muốn - chúng ta còn sử dụng nước hoa để nhấn mạnh những điều này nữa,” Lee cho biết.

Những phát hiện này được cho là rất bất ngờ, bởi so với các loài động vật khác, linh trưởng dựa rất ít vào khả năng cảm nhận mùi - Mireya Mayor, một nhà linh trưởng học không tham gia vào nghiên cứu, hiện đang làm việc tại trung tâm ValBio thuộc đại học Stonybrook ở New York cho biết.

“Điều bất ngờ nhất chính là chúng có thể kiềm chế và điều khiển mùi cơ thể một cách có ý thức,” Mayor chia sẻ. Mặt khác, mặc dù việc chủ động điều khiển lượng mùi cơ thể tiết ra nghe có vẻ lạ lùng, thế nhưng con người cũng có thể điều khiển một cách có ý thức các quá trình sinh lý cơ bản như nhịp tim chẳng hạn - và về mặt di truyền, con người là họ hàng khá gần với khỉ đột./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục