John Mbele phải đợi hơn 5 giờ đồng hồ dưới trời nắng gắt mới bắt được xe để trở về nhà ở tỉnh Mpumalanga cách nơi anh làm việc gần 7 giờ chạy xe.
Tuy nhiên, lần này người dọn vườn thuê cho các cơ quan đại diện Việt Nam tại thủ đô Pretoria, Nam Phi, không biết đến lúc nào mới có thể quay lại làm việc trong khi anh là lao động duy nhất trong gia đình có sáu miệng ăn.
Ngày dọn vườn cuối cùng của John kết thúc hôm 21/3, gần một tuần sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19.
Do làm xa nhà, thông thường một tháng anh mới về để tiết kiệm chi phí. Nhưng lần này, anh đã phải quay lại nhà sau một tuần vì không còn chỗ nào thuê anh dọn vườn nữa để tránh lây lan dịch. May mắn rằng, trước khi nghỉ việc, các nơi thuê anh đều đã chi trả một số tiền tương đương 2-3 tháng lương để anh có thể trang trải cho cuộc sống trước mắt.
Trước khi ra bến xe, John tranh thủ vào một siêu thị dành cho tầng lớp thu nhập thấp để mua vài tuýp dung dịch sát trùng tay vì ở quê không có nước máy, và khẩu trang để anh dùng khi phải ngồi đến 7 giờ trên xe. Tuy nhiên, các kệ hàng đã không còn hai mặt hàng này. Nhân viên ở đó nói mọi thứ liên quan đến diệt khuẩn đã hết sạch từ trước đó cả tháng.
Tương tự như John Mbele, rất nhiều lao động tự do tại Nam Phi đã đột ngột mất việc kể từ khi quốc gia 56 triệu dân này bắt đầu đưa ra những cảnh báo đầu tiên về sự lây lan của COVID-19.
Đa số họ thuộc lớp người "tay làm hàm nhai’’ và đóng vai trò lao động chính trong gia đình nhiều miệng ăn tại một miền quê nào đó. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng may mắn như John, trước lúc về được nhận một khoản tiền tương đương vài tháng lương. Rất nhiều người trong số này đã chọn ở lại Pretoria để mong kiếm được một chút gì đó dù ít ỏi, vì về quê có nghĩa là hết nguồn sống.
Sự bùng phát nhanh chóng của COVID-19 đã nhấn Nam Phi chìm sâu hơn vào vòng xoáy khủng hoảng. Cả thập niên qua quốc gia này đã luôn vật lộn với tình trạng kinh tế đình trệ, thường xuyên trong trạng thái tăng trưởng âm cùng tỷ lệ thất nghiệp lên đến 30%, nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Nhiều năm qua, các tổ chức xếp hạng quốc tế luôn xếp Nam Phi trong danh sách các quốc gia có chỉ số tín dụng thấp nhất.
Khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình đẳng tồn tại bấy lâu trong xã hội Nam Phi bộc lộ rõ hơn mỗi khi có biến cố lớn xảy ra. Tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội chính là nhóm người dễ bị lây nhiễm nhất trong đại dịch COVID-19 này. Đa số họ sống tập trung trong những khu ổ chuột tồi tàn được dựng tạm bợ bằng vách tôn xếp san sát với mật độ cao, với người nghèo, khả năng phòng vệ trước sự lây lan của dịch bệnh là rất mong manh.
Nghiêm trọng hơn, phần lớn các khu dân nghèo tại Nam Phi không có nước máy nên tắm gội hằng ngày đã được xem là một việc xa xỉ, chưa nói tới việc có nước chảy từ vòi để thực hiện việc rửa tay thường xuyên theo khuyến cáo vệ sinh phòng dịch từ chính quyền.
Ngoài ra, tình trạng cắt điện thường xuyên và tỷ lệ truy cập Internet thấp khiến đa số dân nghèo không được tiếp cận thông tin đầy đủ, trong đó bao gồm các diễn biến mới của COVID-19 - đại dịch có thể gõ cánh cửa bằng tôn mỏng manh của họ bất cứ lúc nào.
[Zimbabwe có ca tử vong đầu tiên, Nam Phi là ổ dịch lớn nhất châu Phi]
Với những người thuộc tầng lớp bình dân có thu nhập khá hơn, cuộc sống cũng bắt đầu bấp bênh theo sự bùng phát của COVID-19.
Có chồng làm bảo vệ siêu thị, Claire - nhân viên thu ngân nhà hàng tại Pretoria, đã phải xin nghỉ việc để trông đứa con 4 tuổi sau khi chính phủ yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học.
Trên thực tế, trước khi cô chủ động xin nghỉ, chủ nhà hàng cũng đã cảnh báo khả năng đóng cửa vì lượng khách hàng suy giảm nghiêm trọng kể từ khi bùng phát dịch. Claire than thở rằng nếu chồng cô cũng buộc phải nghỉ làm thì cuộc sống gia đình sẽ không biết đi về đâu vì hai vợ chồng hầu như không có khoản tiết kiệm nào.
Với 274 ca mắc COVID-19 sau hơn hai tuần kể từ khi công bố ca đầu tiên, Nam Phi đang là quốc gia có tốc độ lây lan cao nhất châu Phi, khu vực từng được cho sẽ khó xuất hiện virus bởi nhiệt độ cao, và là ổ dịch lớn thứ hai tại châu lục này sau Ai Cập.
Do phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu các bộ xét nghiệm, hệ thống y tế nước này đang phải áp dụng chính sách "không triệu chứng, không xét nghiệm" do không có đủ điều kiện tiến hành trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có những ca có biểu hiện lâm sàng rõ rệt mới được tiến hành xét nghiệm. Đây là được xem là một rủi ro rất lớn vì hệ thống y tế không thể tầm soát được các trường hợp đang trong giai đoạn ủ bệnh hoặc không có biểu hiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, mặc dù được đánh giá là có trình độ y khoa tiến tiến nhất châu lục, các nhà chức trách Nam Phi cũng thừa nhận rằng hệ thống y tế nước này sẽ bị quá tải nhanh chóng nếu dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô lớn.
Hiện số giường bệnh, đặc biệt là tại các khoa hồi sức cấp cứu (ICU), được đánh giá là không đủ để đón tiếp một số lượng lớn bệnh nhân trong cùng một thời điểm.
Đây được xem là một trong những lý do mà cuối tuần trước Nam Phi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau ghi nhận 61 ca nhiễm, khá sớm so với nhiều nước khác. Đi cùng tuyên bố, nước này áp dụng một loạt chính sách khẩn cấp như cấm nhập cảnh đối với toàn bộ những người đến từ các quốc gia có dịch, cấm các sự kiện có sự tham dự của trên 100 người và đóng cửa tất các các cơ sở giáo dục từ ngày 18/3.
Sau đó vài ngày, đảng ANC cầm quyền đã tuyên bố hoãn các cuộc họp của đảng này và Quốc hội Nam Phi cũng tuyên bố tạm thời đóng cửa.
Không mua được dung dịch diệt khuẩn và khẩu trang, John Mbele tìm mua mấy ổ bánh mỳ đen, loại bánh mà lũ con của anh rất thích nhưng ở quê lại không có bán. Lấy áo quấn quanh mặt thay khẩu trang, người làm vườn thuê leo lên xe khách và tìm ghế cạnh cửa sổ cho thoáng.
Chiếc xe cũ nát chạy khá chậm nên John có thêm thời gian ngắm nhìn thành phố, đặc biệt khi mọi con đường, các góc phố đều trở nên vắng vẻ lạ thường do người dân hạn chế ra đường trong mùa dịch.
Trong thâm tâm, John mong rằng chiếc áo quấn quanh mặt và chỗ ngồi thoáng gió bên cửa xe sẽ giúp anh khỏe mạnh đến khi về tới nhà, nơi vợ và đàn con đang đợi./.