Châu Âu nên định vị tương lai của mình như thế nào, ở cùng bên hay độc lập với nước Mỹ? Đề cập đến vấn đề này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer có những ý tưởng hoàn toàn khác nhau.
Tranh cãi của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến gói ngân sách dài hạn 1,8 nghìn tỷ Euro của khối trong 7 năm tới cũng như quỹ phục hồi 750 tỷ Euro cho các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) mang đến những nụ cười hài lòng cho Trung Quốc và Nga.
Nó cũng như một bằng chứng nữa để chính quyền Washington (có thể) của ông Joe Biden thấy rằng EU chỉ như “sân trước” cho các lợi ích của Mỹ, thay vì thể hiện một “chủ quyền châu Âu” - điều đã được các chính trị gia hàng đầu của “Lục địa già” thảo luận rất nhiều trong thời gian qua.
“Chủ quyền châu Âu” chính là điều mà Tổng thống Pháp Macron mong muốn. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer, người đang giữ vị trí Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo, lại có suy nghĩ trái ngược với Macron khi mới đây bà đã nói rằng “quyền tự chủ chiến lược của châu Âu” chỉ là “ảo tưởng.”
Nói về tình hình hiện tại, vị nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho rằng: “Người châu Âu không thể thay thế vai trò quyết định của Mỹ trong việc đảm bảo cho an ninh của mình.”
Điều này được thể hiện rất rõ với sự hoảng loạn của các đồng minh của Mỹ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút một phần lớn binh sỹ của nước này ở Afghanistan và Iraq.
Tất nhiên người châu Âu không thể lấp đầy khoảng trống này. Không thể!
Mặc dù vậy, nếu xem xét kỹ hơn mọi góc cạnh, người ta có thể thấy rằng quan điểm của ông Macron và bà Kramp-Karrenbauer thực ra không quá xa nhau khi nói tới các mục tiêu của châu Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức mới đây đã nói rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là nước Đức và châu Âu phải tích cực hơn nữa trong việc thiết lập trật tự khu vực và toàn cầu.”
Đóng vai trò to lớn hơn, mạnh mẽ hơn trên toàn cầu cũng là mong muốn bấy lâu nay của giới lãnh đạo EU. Và Tổng thống Macron cũng cùng chung quan điểm đó. Ông coi đây là nhiệm vụ to lớn của châu Âu.
Ngoài vấn đề quốc phòng, vị Tổng thống của cường quốc hạt nhân duy nhất còn lại ở EU cũng mong muốn nhiều điều hơn nữa ở châu Âu.
Ông muốn thiết lập “một điều gì đó về mặt kinh tế và xã hội, điều mà người ta có thể mô tả như là ‘sự đồng thuận Paris’”, thay vì “sự đồng thuận Washington” của chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
Rõ ràng Tổng thống Macron mong muốn một sự độc lập của châu Âu so với Mỹ. Khi giới lãnh đạo Đức tiếp tục nhìn nhận một EU vững mạnh là một phần của cộng đồng giá trị phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ thì Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Các giá trị của chúng ta không hoàn toàn giống nhau,” vì châu Âu mong muốn có sự bình đẳng với Mỹ, nhưng Washington lại hoàn toàn không để ý tới điều đó.
Tuy nhiên, những bước đi hướng tới sự xa rời cộng đồng giá trị phương Tây như vậy của Tổng thống Macron lại khiến ông đơn độc.
Thực tế thì Thủ tướng Đức Angela Merkel không phản ứng với các ý kiến chỉ trích Mỹ như thế. Nhưng trong thời gian ông Trump làm Tổng thống Mỹ, bà đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của châu Âu và có vai trò to lớn trong việc đảm bảo an ninh của “Lục địa già.”
Đối với bà Kramp-Karrenbauer, cuối cùng thì tuyên bố mạnh mẽ nhất của vị Bộ trưởng Quốc phòng này cũng nằm ở yêu cầu của bà với chính trường Đức.
Bà đã yêu cầu rằng công chúng cũng phải được biết cả những “sự thật không hề dễ chịu” chứ không chỉ những điều dễ nghe. Bà muốn nói đến tình hình địa chính trị, nhất là sự cạnh tranh hệ thống với Trung Quốc.
Mới đây, Ralph Brinkhaus - lãnh đạo nhóm nghị sỹ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội Đức - đã bày tỏ rằng có thể chủ đề chính sách đối ngoại cũng sẽ đóng một vai trò nhất định trong cuộc bầu cử liên bang dự kiến diễn ra vào quý III/2021.
Ngay cả bà Merkel trong nhiệm kỳ cuối của mình, trong các cuộc thảo luận công khai cũng né tránh các câu hỏi về máy bay không người lái và lực lượng quân sự Đức ở nước ngoài, cũng như vấn đề đảm bảo lợi ích của Đức bằng các biện pháp quân sự.
Những ý kiến mạnh mẽ của bà Kramp-Karrenbauer cho thấy sự tiến bộ thú vị qua thời gian của người phụ nữ từng được kỳ vọng sẽ kế nhiệm vai trò của bà Merkel - nhưng không thành công. Vị Bộ trưởng Quốc phòng Đức giờ đây dường như đã thoát khỏi được cái bóng của bà Merkel./.