Sau hơn một thập kỷ được “nuông chiều,” các Big Tech đang phải đối mặt với xu hướng siết chặt quản lý từ các cơ quan thực thi chống độc quyền của Mỹ.
Trong đó, một số vụ việc có thể làm thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của những “gã khổng lồ” này.
Big Tech là các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft.
Từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và nay là Tổng thống Joe Biden, có 5 vụ kiện lớn từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp (DoJ) đang được tiến hành để chống lại các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Trong đó, hai vụ kiện chống lại Google có thể khiến công ty này bị chia tách.
Gần đây nhất vào tháng Ba, FTC đã kiện Apple, cáo buộc nhà sản xuất iPhone lạm dụng sự thống trị của mình trong lĩnh vực điện thoại thông minh cao cấp.
Mỹ từng gần như giữ im lặng về các vụ kiện của Big Tech kể từ sau vụ lùm xùm với Microsoft bắt đầu vào những năm 1990 và kết thúc bằng một thỏa thuận vào đầu những năm 2000.
Tuy nhiên, có lẽ là các động thái ở châu Âu và những nơi khác, các vụ kiện mới, với cáo buộc rằng hoạt động của những “gã khổng lồ” công nghệ bao gồm Amazon và Meta đã kìm hãm sự cạnh tranh, gây hại cho người tiêu dùng, đang xuất hiện ngày một nhiều.
Các vụ điều tra diễn ra theo các mốc thời gian khác nhau, trước các thẩm phán liên bang khác nhau và dựa trên nhiều cáo buộc khác nhau. Với việc kháng cáo, các vụ kiện có thể kéo dài tới một thập kỷ.
Vụ kiện đầu tiên trong chiến dịch chống lại Google liên quan đến công cụ tìm kiếm của hãng này được đưa ra vào năm 2020, có thể có quyết định ban đầu sớm nhất là vào cuối năm nay.
Trong vụ kiện thứ hai, cũng do DoJ khởi xướng, Google bị nhắm đến vì sự thống trị trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số. Trong khi đó, Amazon và Meta phải đối mặt các vụ kiện với FTC.
Các vụ kiện đã nhận được sự tán thành từ các nhà lập pháp, trong khi sự phẫn nộ đối với quyền lực ngày càng nhiều của các công ty công nghệ lớn đang ngày một tăng cao trong dư luận.
Tuy nhiên, nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp và nghề luật lại tỏ ra lưỡng lự, coi các vụ kiện này là mỏng manh về mặt pháp lý hoặc có động cơ chính trị.
Những người đứng đầu FTC và bộ phận chống độc quyền của DoJ khẳng định sứ mệnh của họ là bảo vệ người tiêu dùng.
Chủ tịch FTC Lina Khan phát biểu tại một Hội nghị ở Washington, do Hiệp hội Luật sư Mỹ tổ chức, rằng: “Chúng tôi đang giải quyết những vấn đề gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, bao gồm chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật số (công nghệ), và xa hơn nữa.”
Trong một cuộc khảo sát không chính thức với 19 học giả chống độc quyền hàng đầu của Giáo sư Luật Daniel Crane thuộc Đại học Michigan, đa số người được hỏi cho rằng việc khởi tố là khó thành công. Theo Giáo sư Crane, khả năng thua cao hơn là thắng.
Trong khi đó, những người chỉ trích bà Khan cho rằng các vụ kiện của chính quyền Tổng thống Joe Biden đều dựa trên cơ sở pháp lý mỏng manh.
Michael Santoro, Giáo sư quản lý tại Đại học Santa Clara, khẳng định: “Những vụ kiện có vẻ vì một động cơ nào đó hơn là dựa trên các phân tích kinh tế và pháp lý tỉnh táo.”
Phát biểu tại Washington bà Margrethe Vestager, chuyên gia về cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU), cho biết, bà ước mình đã chủ động hơn trong các quyết định chống độc quyền trước đó. Bà nói: “Nếu làm lại, tôi sẽ mạnh dạn hơn vì chúng tôi không có nhiều thời gian.”
Trong quyết định mới nhất liên quan đến công nghệ, vào tháng trước, EU đã phạt Apple 1,8 tỷ euro (1,9 tỷ USD) vì ngăn chặn các dịch vụ phát nhạc trực tuyến cung cấp các tùy chọn đăng ký bên ngoài App Store./.
Các tập đoàn Big Tech ưu tiên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về AI
Big Tech - nhóm các tập đoàn lớn về công nghệ - đều có xu hướng chi hàng tỷ USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tránh bị tụt lại phía sau trong thời kỳ bùng nổ AI.