Đắk Lắk là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Nguyên, có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 11 dân tộc thiểu số tại chỗ. Do vậy, khi toàn văn Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được công bố, ngoài các ý kiến tâm huyết về xây dựng Đảng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân Đắk Lắk đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đánh giá cao thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội
Theo ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đầy đủ thành tựu sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. 35 năm trước, Việt Nam còn là nước có nền nông nghiệp lạc hậu, cơ sở vật chất yếu kém, trình độ dân trí thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới.
Ngày nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có quy mô dân số gần 100 triệu người. Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng cao khi Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, đang đảm nhiệm trọng trách quan trọng trong khối ASEAN và quốc tế. Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thể giới, tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng ổn định và phát triển.
Theo ông Tương, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, nhấn mạnh một nội dung quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đó là xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ các loại hình sản xuất và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Đây là vấn đề mà ông Tương tâm huyết nhất sau khi đọc các văn kiện.
[Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng: Chú trọng quyền của người dân]
Còn theo tiến sỹ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ càng, xuất phát từ thực tiễn lẫn lý luận, đã điều tra, khảo sát trên tất cả lĩnh vực. Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy nhấn mạnh, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh kéo dài song chưa bao giờ Việt Nam có vị thế như ngày hôm nay.
Việt Nam đã trở thành điểm sáng về môi trường đầu tư kinh doanh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đời sống nhân dân được cải thiện trên tất cả các lĩnh vực, an ninh chính trị ổn định, kết cấu cơ sở hạ tầng có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao… Đó là lợi thế và tiền đề để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.
Quan tâm phát triển vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam còn có những hạn chế, khó khăn. Đó là sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hệ thống doanh nghiệp chủ yếu hoạt động với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, công tác nghiên cứu tiếp cận thị trường quốc tế chưa nhiều. Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, làm lãng phí nguyên tài nguyên của đất nước.
Từ thực tế đặt ra, ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đề xuất, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông để tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng miền; tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Bên cạnh đó, tại Đại hội XIII của Đảng, cần thảo luận, đánh giá bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và diễn biến về thiên tai, dịch bệnh trong nước, thế giới. Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, cần thảo luận về vấn đề tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển ngành, lĩnh vực cho phù hợp yêu cầu phát triển của thế giới. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" để củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Ðảng, Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Còn theo Tiến sĩ Đỗ Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, hiện nay đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong nhiệm kỳ tiếp theo và cân bằng sự phát triển giữa các vùng miền, cần có chính sách đặc thù ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng đồng hành phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, miền núi, biên giới.
Ngoài ra, trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa cần gắn với phát triển và bảo vệ bền vững môi trường tài nguyên.
Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc-Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng trong phát triển kinh tế xã hội, chỉ có phát triển đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm chênh lệch mức sống giữa các vùng miền thì mới thực hiện được đại đoàn kết dân tộc.
Muốn đạt được mục tiêu đó thì phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng quyết tâm để tạo nên sự chuyển biến tích cực cho tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo tiến sỹ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Việt Nam là nước nông nghiệp, tư liệu sản xuất quan trọng nhất là ruộng đất. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng hiệu quả nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng này.
Trong bối cảnh hiện nay, để tạo nên chuyển biến về kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh môi trường tài nguyên, phải chuyển đổi sinh kế một cách hiệu quả tùy vào đặc điểm, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, mỗi khu vực, mỗi địa phương. Hiện nay, một trong những mô hình chuyển đổi sinh kế đạt hiệu quả cao đó là sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Vấn đề là không nên quá quan tâm vào các chủ trương, chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phải quan tâm vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách như thế nào cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương.
Như ở Tây Nguyên, phải giải quyết được mối quan hệ giữa dân tộc-tôn giáo-đất đai thì mới đạt được mục tiêu là vừa bảo tồn văn hóa vừa phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Phát triển kinh tế đất nước nói chung và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vừa là mục tiêu vừa là nỗi trăn trở của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Thụy tin rằng những quyết sách đúng đắn mà Đại hội XIII của Đảng đề ra sẽ giải quyết được phần nào trăn trở của nhân dân Đắk Lắk, tiếp tục nâng cao vị thế của đất nước, đặc biệt là phát triển và cân bằng sự phát triển giữa các vùng miền để từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.