'Khát vọng vươn lên': Bức tranh toàn cảnh về thảm họa chất độc da cam

Triển lãm ảnh “Khát vọng vươn lên” giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam.
Triển lãm ảnh “Khát vọng vươn lên” được thực hiện trực tuyến trên địa chỉ website trienlamdacam.vn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 59 năm thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam (1961-2020) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp tổ chức triển lãm ảnh trực tuyến “Khát vọng vươn lên”.

Triển lãm ảnh “Khát vọng vươn lên” được thực hiện trực tuyến từ ngày 9/8 đến hết ngày 9/10 tại địa chỉ website trienlamdacam.vn và giới thiệu trên cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng (mod.gov.vn), Trang thông tin điện tử Văn phòng 701 (office701.gov.vn), Binh chủng hóa học (binhchunghoahoc.vn), Cục Bảo trợ xã hội Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (btxh.gov.vn),  Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (vava.org.vn).

Triển lãm ảnh với chủ đề "Khát vọng vươn lên" gồm các bức ảnh được lựa chọn theo 7 chủ đề, nội dung gồm: Thảm họa chất độc hóa học; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm của bạn bè quốc tế; hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; vượt khó vươn lên và các phim tư liệu.

Triển lãm là hoạt động không vì lợi ích thương mại, với mong muốn góp phần giúp cho người dân, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam. 

[Việt Nam-Hoa Kỳ chung tay vì các nạn nhân chất độc da cam]

Rất nhiều bức ảnh giá trị được lựa chọn trong triển lãm như bản đồ băng rải chất độc hóa học trong giai đoạn 1961-1971 cho thấy thấy rõ về quy mô, diện tích mà chất độc đã đi qua trong 10 năm khắc nghiệt của chiến tranh. Triển lãm còn có hình ảnh quân nhân Mỹ đang phun rải chất khai quang bằng máy phun buffalo đặt trên xe bọc thép M.113 hay trực thăng Mỹ rải chất độc da cam/dioxin. Đây là những hình ảnh mà nhiều người cựu chiến binh đã chứng kiến và vẫn mãi còn ám ảnh trong nhiều năm tháng.

Hậu quả nặng nề của thảm họa chất độc hóa học được thấy rõ hơn qua những hình ảnh rừng Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), rừng Mã Đà (tỉnh Đồng Nai), làng dừa ở Bình Định, những khu rừng dừa dọc đường Trường Sơn, những động vật, thảm thực vật bị tàn phá bởi chất độc hóa học… và cả những hình ảnh người dân ở tỉnh Bến Tre chết vì bị nhiễm chất độc hóa học.

Triển lãm “Khát vọng vươn lên” cũng kể lại hành trình đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Rất nhiều dấu ấn trong hành trình này tại Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế đã được ghi lại, những ảnh này không chỉ có giá trị tại thời điểm đó còn mang tính lịch sử đối với hành trình tìm lại công lý của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam suốt những năm qua.

Hành trình đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được ghi lại tại triển lãm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ở triển lãm cũng trưng bày những bức ảnh về hành trình xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh do Binh chủng hóa học, Học viện Quân y, Quân chủng Phòng không Không quân, các lực lượng trong và ngoài quân đội ở những nơi còn tồn lưu chất độc hóa học, ảnh hưởng tới cuộc sống của biết bao người dân thế hệ hôm nay.

“Khát vọng vươn lên” còn khắc họa một số hình ảnh về nạn nhân chất độc da cam/dioxin dù cơ thể bị khiếm khuyết nhưng trong tâm hồn và ý chí vẫn luôn nuôi dưỡng tình yêu, khát vọng và niềm tin cháy bỏng để vươn lên trong cuộc sống.

Triển lãm cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo 701, Bộ Quốc phòng, cộng đồng và bạn bè quốc tế trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin trong những giai đoạn vừa qua. Triển lãm ảnh cũng là lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục chung sức, chung lòng, tập trung hỗ trợ nguồn lực nhiều hơn nữa cho công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam. Những hành động này nhằm giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần cũng như tiếp tục xử lý triệt để, phục hồi môi trường cho những vùng “đất chết”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục