Khát vọng Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu mãi thổi trên đất nước tôi

Từ những cảm xúc đặc biệt, ấn tượng và sâu lắng của đêm nghệ thuật, công chúng đã có thêm những hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948- 1988).
Tối 16/8, đêm thơ-nhạc-kịch "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Với thời lượng 120 phút và chia thành 4 phần lớn, chương trình đưa khán giả qua nhiều miền cảm xúc khác biệt: Tự hào, bi thương, tiếc nuối và trân trọng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh là một trong số khán giả đến thưởng thức chương trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sân khấu đêm nghệ thuật được bài trí đơn giản nhưng tinh tế với những chiếc hộp treo có chứa các tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc ngồi ở hàng ghế khán giả theo dõi chương trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong chương đầu ‘Hồn dân tộc dậy ta làm thi sỹ,’ Nghệ sỹ Ưu tú Tạ Tuấn Minh đọc bài ‘Việt Nam ơi.’ Tuy sáng tác ở những giai đoạn khác nhau, các tác phẩm như ‘Việt Nam ơi,’ ‘Người cùng tôi,’ ‘Nói với mình và các bạn’ đều tha thiết một tình yêu dành cho đất nước, sự xót thương cho mỗi phận người. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ca sỹ Bùi Hà My thể hiện hai ca khúc ‘Mắt một mí,’ ‘Phố ta.’ Giọng hát trong trẻo, ngọt ngào của cô gái 19 tuổi với những ca khúc được Nguyễn Vĩnh Tiến và Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ mang lại cảm xúc tinh khôi, mới mẻ cho khán giả. Đó dường như cũng là lời khẳng định về những điều tốt đẹp và lương thiện trong cuộc đời: ‘Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa.’ (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với những giọng đọc thơ hàng đầu như Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, Nghệ sỹ Ưu tú Tạ Tuấn Minh, Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ, nguồn cảm hứng công dân trong thơ Lưu Quang Vũ được tái hiện mạnh mẽ, với cả những xót xa, cả băn khoăn và trăn trở, tạo nên nhiều xúc động. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nghệ sỹ Ưu tú Minh Trang đọc bài thơ 'Thời gian trắng' (Xuân Quỳnh) viết tháng 6/1988. Đây là một trong những bài thơ cuối cùng của nữ sỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ đọc thơ Lưu Quang Vũ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh đọc bài thơ 'Vườn trong phố.' (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hai MC Lê Anh-Hồng Nhung cùng trình bày bài thơ 'Bài hát ấy vẫn còn là dang dở,' như chính câu chuyện về sự ra đi đầy tiếc nuối của đôi vợ chồng tài hoa của nền nghệ thuật nước nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong chương 3, Đoàn kịch LucTeam của Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực mang tới nhiều đổi mới khi thể hiện trích đoạn của vở 'Hồn Trương Ba-Da Hàng Thịt.' Đây là vở kịch thành công nhất của Lưu Quang Vũ, đem lại cho ông hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trích đoạn kịch tập trung làm nổi bật sự đấu tranh khốc liệt của phần hồn và phần xác, cũng là cuộc đấu tranh của cái đẹp, cái thanh tao với những thứ tầm thường, xấu xa trong cuộc đời.(Ảnh: PV/Vietnam+)
Chương 4 gồm một loạt ca khúc phổ thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh. Qua sự trình bày của diva Mỹ Linh, ca khúc 'Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi' do Nguyễn Vĩnh Tiến phổ nhạc trở thành cái kết tuyệt đẹp ở cuối chương trình, với đầy sự tự hào, kiêu hãnh và hy vọng.(Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: ‘Với Lưu Quang Vũ, người ta hay nói tới kịch, nhưng với cá nhân tôi, thơ ca của của anh mới là thứ đi cùng thời đại. Đó là tiếng thơ thiết tha, khắc khoải về vận nước, vận đời, vận con người. Anh viết một cách thấm thía, đau đớn với nhiều nốt trầm về sự đau thương, khốn khổ. Tiếng thơ ấy còn đồng vọng tới hôm nay, vẫn sống cùng mỗi chúng ta.’ (Ảnh: PV/Vietnam+)
Từ những cảm xúc đặc biệt, ấn tượng và sâu lắng của đêm nghệ thuật, công chúng đã có thêm những hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948- 1988). Đặc biệt, đoạn băng audio Lưu Quang Vũ nói về sân khấu mà gia đình mới tìm thấy cũng tạo ấn tượng mạnh với khán giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục