Những ngày gần Tết, trong lòng mỗi đứa trẻ nơi mái ấm làng Hữu Nghị (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại rộn lên khát khao được về quê cùng gia đình. Nhiều đứa chẳng thể khóc được thành tiếng, chẳng thể nghe được âm thanh gì, nhưng trong ánh mắt mong chờ đó, có thể hiểu được phần nào mong mỏi cả năm trời được đoàn tụ bên gia đình.
Làng Hữu Nghị, một ngôi làng đầy ắp sự yêu thương và lòng nhân ái, đã ôm trọn đau thương của lũ trẻ là nạn nhân đang phải từng ngày vật lộn với di chứng của chất độc da cam.
Lũ trẻ ở đây vẫn luôn trìu mến gọi những người chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ của mình là “mẹ.” Và, trong những thời khắc cuối cùng của năm cũ, những người “mẹ” ấy lại không khỏi nhói lòng vì ước vọng được về ăn Tết với gia đình của lũ trẻ.
Cô giáo Nguyễn Bích Hợp kể: “Ở đây thì cũng coi như là ngôi nhà thứ 2 của các con nhưng các em vẫn luôn khát khao mái ấm gia đình thực sự của mình. Có những đứa chuẩn bị quà về cho bố cho mẹ cho em cả tháng nay rồi, nhiều khi nghĩ mà thương chúng nó lắm, có đứa chiều nào cũng đợi cổng để chờ gia đình đến đón”.
Về quê ăn Tết với nhiều người là một việc rất bình thường nhưng đối với các em bé ở làng Hữu Nghị, đó luôn là khát khao, mong mỏi ngày đêm.
Mấy ngày này, Em Đoàn Trung Đức ở nhà T4, quê ở Nam Định mỗi khi thấy có tiếng xe máy là quáng quàng chạy ra cửa ngóng mẹ. Đã mấy buổi chiều nay, em đều cầm hộp sao ước tựa cửa để đón mẹ. Em nói với chúng tôi: “Con muốn về nhà, về để đưa cho em trai con hộp ước này”.
Gia đình em bố mất sớm bởi di chứng chất độc da cam, gia đình khó khăn, cuộc sống vốn nhờ vào mấy đồng làm thuê của mẹ cho hai anh em trai. Những ngày này công việc thuê mướn bận rộn nên mẹ em chưa có thời gian đón em về với gia đình để cùng đoàn viên cùng gia đình.
Ở một góc nhỏ khác của ngôi nhà Hữu Nghị, giọng bé Nguyễn Thị Ngọc Thu (12 tuổi, quê ở Bắc Giang) khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng vì cứ tha thẩn một mình.
Cô bé có vóc dáng nhỏ nhắn bảo, con thích Tết, vì Tết con được về với gia đình. Thế nhưng, con vẫn chưa biết khi nào mọi người ở nhà mới tới đón em.
Lớn tuổi hơn Thu và Đức, em Ngân (17 tuổi) những ngày này vẫn cố gắng đi làm thêm phụ giúp cho bố mẹ. Ngân bảo, em xin đi làm bảo vệ cho mấy tòa nhà gần làng Hữu Nghị, ban ngày làm, tối lại về ngủ.
Nhắc tới Tết, Ngân chỉ lắc đầu cười, bố mẹ em đang đi xuất khẩu tận Trung Quốc kiếm tiền trả nợ. Một mình Ngân ở làng Hữu Nghị cũng cố dành dụm ít tiền, vừa để chi tiêu, cũng là để phụ giúp bố mẹ.
“Mỗi em đều có một nỗi niềm riêng, nhưng khát khao được đoàn tụ bên gia đình trong dịp Tết vẫn luôn thường trực, ngay cả trong những bữa ăn, giấc ngủ. Các em trong lúc ăn vẫn luôn kể về gia đình về bố mẹ hay chú thím, ngày Tết nhà con làm món này, món kia, hay trong giấc mơ chúng gọi tên bố mẹ nhiều hơn…,” mẹ Trần Thị Ban vừa cho các em ăn cơm vừa kể với chúng tôi.
Cũng chính người phụ nữ ấy bảo rằng, nhiều lúc chị chẳng cầm được nước mắt. “Chỉ muốn ôm các con vào lòng, ngây thơ đơn sơ lắm, nhưng cũng đau lắm,” người phụ nữ nói khi mắt đã hoe đỏ./.