Trong những ngày đầu năm học mới khi hàng ngàn học sinh khắp nơi đang nô nức cắp sách đến trường, thì ở vùng cực Bắc Tây Nguyên, hình ảnh ba chị em “tí hon” đang ngày đêm vật lộn chống chọi với căn bệnh “xương thủy tinh” để được đến trường đã làm không ít người xúc động.
Đó là hoàn cảnh cuộc sống của gia đình thủy tinh - anh Võ Tấn Thanh, sinh năm 1970 và chị Trần Thị Liên, sinh năm 1973, đang sống trong một ngõ nhỏ tại tổ 5 phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum.
Gia đình thủy tinh
Giữa lòng thành phố Kon Tum có lẽ rất ít người biết đến gia đình họ-gia đình thủy tinh khi mà cả gia đình năm người thì đã có tới bốn mẹ con bị mắc căn bệnh quái ác “xương thủy tinh.” Duy chỉ anh Võ Tấn Thanh (người chồng) là hoàn toàn khỏe mạnh để cáng đáng mọi công việc trong gia đình.
Ở cái tuổi 40 và đã làm mẹ ba đứa con nhưng chị Liên chỉ cao vỏn vẹn gần một mét, nguyên nhân mà theo các bác sỹ xác định đó là do căn bệnh quái ác “xương thủy tinh” đã làm chị ngày càng thấp dần đi. Không chỉ có chị mà cả ba đứa con dù đã 17-18 tuổi vẫn có hình hài như trẻ con. Cả ba chị em ai nấy đều có chiều cao khá khiêm tốn, khoảng gần một mét.
Đến thăm gia đình chị Liên đúng vào lúc chị đang loay hoay quét nhà. Mỗi chúng tôi, không ai có thể kìm được niềm thương cảm khi nghe chị Liên kể lại về hoàn cảnh của mình. Thỉnh thoảng, giọng chị lạc hẳn đi để cố kìm nén những dòng nước mắt tuôn rơi trước mấy vị khách lạ.
Hồi chị sinh cháu út Võ Minh Thiện, nghĩa là cách đây chừng 14 năm, chị vô tình bị ngã và khi đi khám tại bệnh viện quân đội (Bệnh viện 211, tỉnh Gia Lai), các bác sỹ ở đây cho biết chị bị căn bệnh xương mục, hay còn gọi bệnh xương thủy tinh. Lần đó chị phải nằm im một chỗ mấy tháng liền; đến khi xương lành lặn, chị lại phải vất vả xin nhận làm cạo vỏ mì thuê, chị làm gấp đôi để bù lại lúc đau ốm, bởi vậy mà lưng chị bị còng lúc nào không biết, cả thân hình chị ngày càng như bị rút lại. <
Cứ ngỡ căn bệnh quái ác ấy chỉ hành hạ trên thân xác của người mẹ nhưng số phận đã không may mắn khi mà cả ba đứa con chị đều mắc bệnh này. Đó là chị cả Võ Thị Thanh Thảo, 18 tuổi và hai em Võ Hoài Anh Thi, 16 tuổi và Võ Minh Thiện, 14 tuổi.
Chị Liên nói trong nước mắt: “Với tuổi ăn chưa no, lo chưa tới vậy mà đứa nào cũng phải cẩn trọng từng chút một để khỏi bị gãy xương, đi thì phải có người cõng.” Trong cả ba chị em, cháu Võ Hoài Anh Thi có bảng thành tích về gãy xương cao nhất khi mà cả bốn lần em Thi đều bị gãy xương đùi, hết đùi trái rồi lại đến đùi phải. Cứ mỗi lần như vậy, Thi phải bó bột hàng tháng trời vì xương của em quá mục nên các bác sỹ không thể bắt đinh, vít xương như người thông thường.
Chị cả Thảo và cậu em út Thiện dù có cẩn trọng đến mấy cũng liên tục bị gãy xương. Trong một lần vui đùa, cậu em út Thiện đã bị gãy xương chân, đến giờ vẫn không thể đi lại được, chỗ bị gãy (gần cổ chân phải) giờ teo lại...
Hiện tại chị Liên ở nhà chăm sóc các con và chỉ làm những công việc nhẹ nhàng trong nhà. Cuộc sống cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương thợ xây ít ỏi của anh Thanh. Thỉnh thoảng, để cải thiện bữa ăn cho gia đình và tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh Thanh lên rừng bẫy con gà, bắt con cá bán kiếm ít tiền để trang trải cuộc sống vốn đã quá khó khăn.
Những cậu học trò tí hon
Dù mang theo mình căn bệnh quái ác nhưng cả ba chị em tí hon này vẫn không từ bỏ niềm đam mê được đến trường. Trong khu phố nhỏ của phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, Thanh Thảo và Anh Thi vẫn hàng ngày vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo để được cắp sách đến trường.
Hiện chị cả Thảo đã theo học đến lớp 12 trường Trung học phổ thông Lê Lợi. Vì gia đình quá nghèo, hàng ngày Thảo phải đi bộ gần km đến trường. Cả bốn mẹ con hiện chỉ trông vào chiếc xe đạp tí hon (được sửa chữa lại từ chiếc xe đạp trẻ em để phù hợp với gia đình). Còn Anh Thi hiện theo học lớp 8A trường Trung học cơ sở Nguyễn Du.
Có lẽ vì suốt ngày phải nghỉ học do gãy xương nên Anh Thi phải chịu thua bạn bè cùng lứa tuổi đến bốn lớp. Tuy vậy nhưng Anh Thi vẫn không nản lòng và mong muốn được đi học hết lớp 12 và rồi có thể đi học nghề sửa chữa điện tử. Riêng cậu em út Thiện chỉ theo học được đến lớp 6 trường Trung học cở sở Nguyễn Du. Hiện bé Thiện phải nghỉ học vì chân em đã bị teo nhỏ, không thể tự di chuyển.
Bị gãy nhiều lần nên cứ đêm đến, đôi chân của ba chị em lại nhức hơn, nhất là vào lúc trời giá lạnh, các em luôn phải vật lộn với giấc ngủ của mình. Từ khi sinh ra, cả ba chị em ai cũng mong mình có đôi chân cứng cáp, để theo các bạn vui đùa, tự do đi lại bình thường. Thấy các con có tinh thần hiếu học, chị Liên vẫn ngày ngày động viên và chở các con đến trường trên chiếc xe đạp ọp ẹp.
Cô Phạm Thị Hòa, Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Du cho biết sau khi tìm hiểu gia cảnh cũng như bệnh tật của hai cháu Anh Thi và Minh Thiện, nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm trực tiếp giúp đỡ cho hai cháu hòa nhập với bạn bè, trường lớp. Thậm chí trong lớp có các bạn đã xung phong hàng ngày đến đón Anh Thi đi học...
Cô Phạm Thị Hòa khẳng định: “Chúng tôi rất tự hào về hai học sinh Anh Thi và Minh Thiện, các em đã là tấm gương sáng vượt lên số phận, hiếu học...”
Gia đình chị Liên hiện được xếp vào gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của phường Nguyễn Trãi. Hàng tháng Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Trãi vẫn trợ cấp với số tiền 180.000 đồng/tháng/cháu nhằm hỗ trợ, động viên gia đình cố gắng vượt lên trong cuộc sống./.
Đó là hoàn cảnh cuộc sống của gia đình thủy tinh - anh Võ Tấn Thanh, sinh năm 1970 và chị Trần Thị Liên, sinh năm 1973, đang sống trong một ngõ nhỏ tại tổ 5 phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum.
Gia đình thủy tinh
Giữa lòng thành phố Kon Tum có lẽ rất ít người biết đến gia đình họ-gia đình thủy tinh khi mà cả gia đình năm người thì đã có tới bốn mẹ con bị mắc căn bệnh quái ác “xương thủy tinh.” Duy chỉ anh Võ Tấn Thanh (người chồng) là hoàn toàn khỏe mạnh để cáng đáng mọi công việc trong gia đình.
Ở cái tuổi 40 và đã làm mẹ ba đứa con nhưng chị Liên chỉ cao vỏn vẹn gần một mét, nguyên nhân mà theo các bác sỹ xác định đó là do căn bệnh quái ác “xương thủy tinh” đã làm chị ngày càng thấp dần đi. Không chỉ có chị mà cả ba đứa con dù đã 17-18 tuổi vẫn có hình hài như trẻ con. Cả ba chị em ai nấy đều có chiều cao khá khiêm tốn, khoảng gần một mét.
Đến thăm gia đình chị Liên đúng vào lúc chị đang loay hoay quét nhà. Mỗi chúng tôi, không ai có thể kìm được niềm thương cảm khi nghe chị Liên kể lại về hoàn cảnh của mình. Thỉnh thoảng, giọng chị lạc hẳn đi để cố kìm nén những dòng nước mắt tuôn rơi trước mấy vị khách lạ.
Hồi chị sinh cháu út Võ Minh Thiện, nghĩa là cách đây chừng 14 năm, chị vô tình bị ngã và khi đi khám tại bệnh viện quân đội (Bệnh viện 211, tỉnh Gia Lai), các bác sỹ ở đây cho biết chị bị căn bệnh xương mục, hay còn gọi bệnh xương thủy tinh. Lần đó chị phải nằm im một chỗ mấy tháng liền; đến khi xương lành lặn, chị lại phải vất vả xin nhận làm cạo vỏ mì thuê, chị làm gấp đôi để bù lại lúc đau ốm, bởi vậy mà lưng chị bị còng lúc nào không biết, cả thân hình chị ngày càng như bị rút lại. <
Cứ ngỡ căn bệnh quái ác ấy chỉ hành hạ trên thân xác của người mẹ nhưng số phận đã không may mắn khi mà cả ba đứa con chị đều mắc bệnh này. Đó là chị cả Võ Thị Thanh Thảo, 18 tuổi và hai em Võ Hoài Anh Thi, 16 tuổi và Võ Minh Thiện, 14 tuổi.
Chị Liên nói trong nước mắt: “Với tuổi ăn chưa no, lo chưa tới vậy mà đứa nào cũng phải cẩn trọng từng chút một để khỏi bị gãy xương, đi thì phải có người cõng.” Trong cả ba chị em, cháu Võ Hoài Anh Thi có bảng thành tích về gãy xương cao nhất khi mà cả bốn lần em Thi đều bị gãy xương đùi, hết đùi trái rồi lại đến đùi phải. Cứ mỗi lần như vậy, Thi phải bó bột hàng tháng trời vì xương của em quá mục nên các bác sỹ không thể bắt đinh, vít xương như người thông thường.
Chị cả Thảo và cậu em út Thiện dù có cẩn trọng đến mấy cũng liên tục bị gãy xương. Trong một lần vui đùa, cậu em út Thiện đã bị gãy xương chân, đến giờ vẫn không thể đi lại được, chỗ bị gãy (gần cổ chân phải) giờ teo lại...
Hiện tại chị Liên ở nhà chăm sóc các con và chỉ làm những công việc nhẹ nhàng trong nhà. Cuộc sống cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương thợ xây ít ỏi của anh Thanh. Thỉnh thoảng, để cải thiện bữa ăn cho gia đình và tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh Thanh lên rừng bẫy con gà, bắt con cá bán kiếm ít tiền để trang trải cuộc sống vốn đã quá khó khăn.
Những cậu học trò tí hon
Dù mang theo mình căn bệnh quái ác nhưng cả ba chị em tí hon này vẫn không từ bỏ niềm đam mê được đến trường. Trong khu phố nhỏ của phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, Thanh Thảo và Anh Thi vẫn hàng ngày vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo để được cắp sách đến trường.
Hiện chị cả Thảo đã theo học đến lớp 12 trường Trung học phổ thông Lê Lợi. Vì gia đình quá nghèo, hàng ngày Thảo phải đi bộ gần km đến trường. Cả bốn mẹ con hiện chỉ trông vào chiếc xe đạp tí hon (được sửa chữa lại từ chiếc xe đạp trẻ em để phù hợp với gia đình). Còn Anh Thi hiện theo học lớp 8A trường Trung học cơ sở Nguyễn Du.
Có lẽ vì suốt ngày phải nghỉ học do gãy xương nên Anh Thi phải chịu thua bạn bè cùng lứa tuổi đến bốn lớp. Tuy vậy nhưng Anh Thi vẫn không nản lòng và mong muốn được đi học hết lớp 12 và rồi có thể đi học nghề sửa chữa điện tử. Riêng cậu em út Thiện chỉ theo học được đến lớp 6 trường Trung học cở sở Nguyễn Du. Hiện bé Thiện phải nghỉ học vì chân em đã bị teo nhỏ, không thể tự di chuyển.
Bị gãy nhiều lần nên cứ đêm đến, đôi chân của ba chị em lại nhức hơn, nhất là vào lúc trời giá lạnh, các em luôn phải vật lộn với giấc ngủ của mình. Từ khi sinh ra, cả ba chị em ai cũng mong mình có đôi chân cứng cáp, để theo các bạn vui đùa, tự do đi lại bình thường. Thấy các con có tinh thần hiếu học, chị Liên vẫn ngày ngày động viên và chở các con đến trường trên chiếc xe đạp ọp ẹp.
Cô Phạm Thị Hòa, Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Du cho biết sau khi tìm hiểu gia cảnh cũng như bệnh tật của hai cháu Anh Thi và Minh Thiện, nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm trực tiếp giúp đỡ cho hai cháu hòa nhập với bạn bè, trường lớp. Thậm chí trong lớp có các bạn đã xung phong hàng ngày đến đón Anh Thi đi học...
Cô Phạm Thị Hòa khẳng định: “Chúng tôi rất tự hào về hai học sinh Anh Thi và Minh Thiện, các em đã là tấm gương sáng vượt lên số phận, hiếu học...”
Gia đình chị Liên hiện được xếp vào gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của phường Nguyễn Trãi. Hàng tháng Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Trãi vẫn trợ cấp với số tiền 180.000 đồng/tháng/cháu nhằm hỗ trợ, động viên gia đình cố gắng vượt lên trong cuộc sống./.
Sỹ Thắng (TTXVN)