Khảo sát và xây dựng tuyến du lịch mạo hiểm Tà Năng-Phan Dũng

Bắt đầu từ xã Tà Năng, cung đường dẫn du khách chinh phục những quả đồi trùng điệp, vượt suối, trèo đèo, băng qua những cánh rừng rậm rạp, kéo dài qua những cánh rừng thông và đồng cỏ xanh bạt ngàn...
Khảo sát và xây dựng tuyến du lịch mạo hiểm Tà Năng-Phan Dũng ảnh 1Cung đường Tà Năng. (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận vừa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức chương trình khảo sát trekking (đi bộ đường dài dã ngoại) trên cung đường Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)-Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Đây sẽ là một trong những sản phẩm du lịch mới, được kỳ vọng thu hút khách du lịch của tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, tour khảo sát cung đường Tà Năng-Phan Dũng là điểm nhấn nằm trong chương trình du lịch chủ đề "Hành trình Biển và Hoa" từ ngày 29-30/9 nhằm quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch kết nối 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng; đảm bảo vai trò kết nối các khu, điểm du lịch của 2 tỉnh để hình thành các tuyến du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.

Bên cạnh đó, chương trình hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023 do tỉnh đăng cai tổ chức với chủ đề "Bình Thuận-Hội tụ xanh."

Nối liền ba tỉnh Lâm Đồng-Ninh Thuận-Bình Thuận, cung đường trekking Tà Năng-Phan Dũng có tổng chiều dài gần 60km.

Bắt đầu từ xã Tà Năng, cung đường dẫn du khách chinh phục những quả đồi trùng điệp, di chuyển từ độ cao 1.100m xuống 500m so với mực nước biển, vượt suối, trèo đèo, băng qua những cánh rừng rậm rạp, kéo dài qua những cánh rừng thông và đồng cỏ xanh bạt ngàn rồi kết thúc tại xã Phan Dũng.

Từ lâu, cung đường này đã được nhiều "phượt thủ" truyền tai nhau là một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam.

Bà Phan Thị Phong, Giám đốc Công Trách nhiệm hữu hạn Bình Thuận Travel & Media, cho biết đây là điểm du lịch mới vô cùng thú vị, còn hoang sơ và chưa được nhiều người biết đến. Cung đường đẹp và mạo hiểm rất phù hợp với xu thế du lịch của những nhóm bạn trẻ hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, việc xây dựng tour mới "Trekking Tà Năng-Phan Dũng: Hành trình Biển và Hoa-Kết nối Lâm Đồng-Bình Thuận" đánh dấu một bước phát triển quan trọng cho cả hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận.

Tour này không chỉ là một hành trình khám phá thiên nhiên mà còn là cơ hội để nêu bật những giá trị di sản quý báu và văn hóa bản địa của khu vực này.

Mục tiêu của tour trekking Tà Năng-Phan Dũng là đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương, đồng thời tăng cường công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Lâm Đồng và Bình Thuận.

Du lịch Bình Thuận trong trong thời gian qua khai thác tốt các tiềm năng du lịch: hồ, thác, khu bảo tồn, vườn trái cây... và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, hình thành được tour, tuyến du lịch, góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch.

[Du lịch Bình Thuận về đích sớm, doanh thu đạt hơn 17.600 tỷ đồng]

Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận khẳng định việc kết nối giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận để khai thác tuyến trekking Tà Năng-Phan Dũng nhằm tạo dựng hình ảnh, sức cạnh tranh và vị thế mới cho du lịch Bình Thuận và Lâm Đồng, đồng thời, thúc đẩy giao lưu hợp tác phát triển du lịch giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn hai tỉnh.

Ngoài khảo sát, trải nghiệm cung đường, đoàn khảo sát (gồm đại diện các sở ngành liên quan, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan truyền thông 2 tỉnh) còn tham gia trồng cây nhằm bảo vệ môi trường, lắp đặt biển hướng dẫn và cảnh báo nguy hiển trên cung đường.

Dịp này, ngành du lịch 2 tỉnh cũng tuyên bố thông tuyến thử nghiệm trekking Tà Năng-Phan Dũng để giới thiệu, quảng bá đến khách du lịch.

Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh Bình Thuận đã đón hơn 6,984 triệu lượt khách (kế hoạch cả năm 2023 là 6,7 triệu lượt khách), đạt xấp xỉ 104% kế hoạch năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục