Khánh thành và thông xe cầu Vàm Cống, cầu dây văng thứ 2 vượt sông Hậu

Khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì cầu Vàm Cống sẽ góp phần rất lớn cho việc đi lại của người dân hai bên bờ sông Hậu, cũng như việc thông tuyến quốc lộ phía Tây của Tổ quốc.

Ngày 19/5, tại nút giao đường dẫn cầu Vàm Cống và đường nối vào Quốc lộ 80 thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức khánh thành cầu Vàm Cống, cầu dây văng thứ hai vượt sông Hậu.

Báo cáo tại lễ khánh thành, ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, đại diện chủ đầu tư, cho biếtdự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án gồm cầu Vàm Cống dài 2,97km và đường dẫn dài 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, cách bến phà Vàm Cống khoảng 3km về phía hạ lưu.

[Infographics] Chính thức thông xe cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu

Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp hình chữ H cao 143,9m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm bốn làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ; đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư là hơn 5.460 tỷ đồng.

Bày tỏ niềm vui trong ngày khánh thành cầu Vàm Cống, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng đây là cây cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các tỉnh liên quan cũng như các tỉnh trong khu vực. Bởi lẽ, khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì cầu Vàm Cống sẽ góp phần rất lớn cho việc đi lại của người dân hai bên bờ sông Hậu, cũng như việc thông tuyến quốc lộ phía Tây của Tổ quốc. Đặc biệt, cầu Vàm Cống sẽ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh trong khu vực, trước hết là Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang.

Cầu Vàm Cống - cầu dây văng thứ 2 vượt sông Hậu, nối liền hai tỉnh Đồng Tháp - Cần Thơ. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung rất nhiều nguồn vốn để phát triển giao thông vận tải ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Việc xây dựng và đưa vào khai thác công trình cầu Vàm Cống có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang là những địa phương trực tiếp hưởng lợi mà còn góp phần kết nối phát triển cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Vàm Cống là một mắt xích quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, khi thông xe sẽ giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người dân.

Cùng với việc thông xe cầu Vàm Cống, hiện tại Tổng công ty Cửu Long cũng đang khẩn trương triển khai tuyến đường từ Lộ Tẻ (Cần Thơ) đi Rạch Sỏi (Kiên Giang). Sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường kết nối giao thương với khu vực Đông Nam bộ; đồng thời, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A, từng bước hình thành trục dọc phía tây của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp tăng cường kết nối các tỉnh miền Tây với cả nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục