Ngày 17/4, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ đã khánh thành dự án xây dựng tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển cấp điện cho xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Đây là dự án cáp biển cấp điện đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh đưa điện lưới quốc gia về xã đảo Thạnh An, xã đảo duy nhất của thành phố.
Dự án được khởi công từ ngày 18/12/2014, gồm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 bao gồm xây dựng một mạch cáp ngầm dưới biển 22kV, chiều dài tuyến cáp 5.875m và xây dựng một mạch cáp ngầm 22kV trên bờ với chiều dài 175m.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ được hoàn thành vào quý 3/2015, bao gồm xây dựng mới hai trạm ngắt 22kV, kiểu trạm phòng theo mô hình trạm không người trực, các thiết bị có chức năng thao tác từ xa, với tủ trung thế hợp bộ 24kV tại bến đò Tắc Xuất - thị trấn Cần Thạnh và tại trạm phát diesel Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho biết dự án tạo điều kiện cho việc nâng mức tiêu thụ điện bình quân của mỗi người dân xã đảo Thạnh An từ mức 250-300kWh/người/năm hiện nay lên 900-1.000 kWh/người/năm của toàn huyện Cần Giờ khi toàn bộ dự án hoàn thành.
Với nguồn điện lưới quốc gia công suất lớn, liên tục, chất lượng điện ổn định sẽ là nguồn động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội và các ngành nghề sản xuất-kinh doanh, dịch vụ, du lịch của xã đảo Thạnh An.
Ông Trần Văn Thấu, cư dân xã đảo Thạnh An, chia sẻ: “Người dân chúng tôi không nghĩ rằng có thể thực hiện được việc kéo cáp xuyên biển để đưa điện ra tận đảo này. Trước khi có điện quốc gia, chúng tôi phải sử dụng điện từ trạm phát diesel trên đảo. Tuy nhu cầu về điện trong sinh hoạt không thiếu nhưng không được ổn định, giá thành cao nên bà con không dám sản xuất kinh doanh gì.”
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, chính quyền huyện sẽ phối hợp với Xí nghiệp may 30/4 hình thành một tổ hợp may ở xã đảo Thạnh An, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ của xã.
Bên cạnh đó, xã Thạnh An cũng lên kế hoạch hình thành, phát triển các làng nghề truyền thống và các cơ sở chế biến đặc trưng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế./.