Khánh thành Khu lưu niệm giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa

Ngày 18/5, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ khánh thành Khu lưu niệm giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học lớn, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.
Khánh thành Khu lưu niệm giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa ảnh 1Các đại biểu tham quan khu trưng bày ảnh về các hoạt động của giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2013. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 18/5, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ khánh thành Khu lưu niệm giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà khoa học lớn, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học lớn, có đạo đức cách mạng trong sáng, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng vững chắc cho khoa học Việt Nam hình thành và phát triển.

Giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ông đã nêu tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong chiến đấu, lao động, học tập và nghiên cứu khoa học.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực tham gia xây dựng và hoàn thành Khu lưu niệm, thể hiện tấm lòng, sự tôn vinh, tri ân của Đảng bộ, quân và quân tỉnh Vĩnh Long cũng như cả nước đối với công lao to lớn của giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương, vượt mọi khó khăn, thử thách, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, xây dựng Vĩnh Long ngày càng giàu, đẹp.

Tỉnh cần có kế hoạch để quản lý và phát huy hiệu quả công trình khu lưu niệm, để khu lưu niệm trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm say mê khoa học, tính sáng tạo, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và là một địa chỉ tham quan, du lịch có ý nghĩa của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) - một vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng.

Ông là một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là nhà trí thức yêu nước, nhà khoa học lớn, có uy tín cao, đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp khoa học Việt Nam, đặc biệt là khoa học quân sự.

Khu lưu niệm giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa là công trình văn hóa có quy mô lớn, thể hiện tấm lòng mến phục, sự tôn vinh, tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đối với công lao, sự cống hiến của giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Khu lưu niệm giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa được thiết kế theo lối không gian mở, thoáng mát, nhẹ nhàng, gần gũi nhưng vẫn đảm bảo tính tôn nghiêm, phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc.

Khu lưu niệm có tổng diện tích hơn 16.000m2 với các hạng mục chính gồm nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, thư viện và trung tâm tích hợp dữ liệu về khoa học và công nghệ, phòng hội thảo, chiếu phim, sinh hoạt truyền thống, quảng trường, các hạng mục phụ trợ và cảnh quan với tổng mức đầu tư gần 51 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại khu lưu niệm, Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên đầu tư xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu khoa học công nghệ, với tổng giá trị 2,6 tỷ đồng, gồm Cổng thông tin điện tử giới thiệu khu lưu niệm và tích hợp thư viện điện tử về thân thế, sự nghiệp và các công trình nghiên cứu của giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu khoa học công nghệ là nơi lưu trữ, quảng bá thông tin khoa học công nghệ, phục vụ khai thác sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, tiếp cận thông tin khoa học công nghệ quốc gia và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục