Khánh thành cầu Bạch Đằng 2 kết nối hai tỉnh trọng điểm Bình Dương và Đồng Nai

Sau gần 5 năm thi công, cầu Bạch Đằng 2 đã hoàn thiện với tổng chiều dài 945,81m; trong đó phần cầu dài 401,32m và phần đường dẫn đầu cầu dài 544,49m.
Cầu Bạch Đằng 2 kết nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nhìn từ trên cao. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Sáng 23/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức khánh thành cầu Bạch Đằng 2 nối liền hai tỉnh, đánh dấu cột mốc quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông khu vực phía Nam.

Cầu Bạch Đằng 2 được xây dựng trên sông Đồng Nai, kết nối xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Đây là cây cầu mới nhất được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng tăng giữa hai địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho cả hai tỉnh.

Dự án Xây dựng cầu Bạch Đằng 2 được thống nhất giữa Ủy ban Nhân dân hai tỉnh trong cuộc họp vào ngày 26/2/2014 và chính thức được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2763/QĐ-UBND ngày 24/9/2019.

Sau gần 5 năm thi công, cầu Bạch Đằng 2 đã hoàn thiện với tổng chiều dài 945,81m; trong đó phần cầu dài 401,32m và phần đường dẫn đầu cầu dài 544,49m.

Khánh thành, thông xe cầu Bạch Đằng 2. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Cầu được thiết kế với kết cấu bêtông cốt thép dự ứng lực, đảm bảo khả năng chịu lực lớn, phục vụ cho bốn làn xe với vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng mức đầu tư của dự án là 490,943 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp là 341,931 tỷ đồng. Đơn vị thi công là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 và Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492.

Hệ thống đường dẫn hai đầu cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III, đảm bảo lưu thông an toàn và hiệu quả cho phương tiện.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết việc hoàn thành cầu Bạch Đằng 2 không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai tỉnh trong việc di chuyển, mà còn góp phần quan trọng vào việc kết nối kinh tế, tăng cường giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa hai địa phương.

Đây là bước tiến lớn trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, phát triển các khu đô thị mới và nâng cao tiềm năng quỹ đất của khu vực.

Cầu Bạch Đằng 2 là biểu tượng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục