Khánh Hòa: Vụ rừng xã Suối Tân bị chặt phá có dấu hiệu tội hủy hoại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, vụ phá rừng tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm ngày 19/2 với diện tích trên 7.000m2 là rừng tự nhiên tái sinh.
Khánh Hòa: Vụ rừng xã Suối Tân bị chặt phá có dấu hiệu tội hủy hoại ảnh 1Nhiều cây gỗ có đường kính từ 20cm bị đốn hạ không thương tiếc. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh liên quan đến nội dung báo chí phản ánh vụ việc phá rừng trên địa bàn xã Suối Tân, huyện Cam Lâm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vụ phá rừng tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) ngày 19/2 với diện tích trên 7.000m2 đã vượt quá khung xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 20 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và có dấu hiệu tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bà Lê Phạm Thùy Ngân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lâm, cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân, doanh nghiệp, báo chí, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Suối Tân, cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, phối hợp với Kiểm lâm khám nghiệm hiện trường; mời đối tượng tình nghi phá rừng lên làm việc.

[Khánh Hòa: Làm rõ, xử lý vụ phá rừng trên địa bàn xã Suối Tân]

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả cuối cùng, đối tượng tình nghi phủ nhận việc chặt phá rừng.

Bà Lê Phạm Thùy Ngân khẳng định sẽ xử lý theo quy định của pháp luật đối với vụ chặt phá rừng tại xã Suối Tân.

Trong các ngày 17-18/3, Hạt Kiểm lâm đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Suối Tân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan chức năng của huyện tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 231, xã Suối Tân, để củng cố hồ sơ, làm rõ vụ việc.

Tại hiện trường, các lực lượng tiến hành đo đạc, kiểm đếm, xác định độ cao, đường kính thân cây, diện tích rừng bị chặt phá; xác định các tiêu chí về mật độ, tàn che, chiều cao của thân cây để xác minh diện tích bị phá là rừng tự nhiên tái sinh hay đất trống nhiều cây bụi.

Chiều 19/3, ông Hoàng Trung Sĩ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm cho biết chưa có báo cáo chính thức, tuy nhiên kết quả cũng không có sự thay đổi nhiều so với kết quả kiểm tra xác minh trước đó, rằng diện tích bị đốn hạ, đốt than là rừng tự nhiên tái sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục