Đồng bào T'rin ở hai thôn Gia Lố, Gia Rích, xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, theo phong tục cứ gieo hạt lúa vào đất, nhờ sương trời gió núi, những giống lúa vươn mình nảy mầm xanh rồi đơm bông, kết thành những “hạt ngọc” to, chắc nịch; khi nấu chín có mùi thơm đặc trưng đại ngàn. Đồng bào gọi đó là lúa rẫy, đằng sau những cây lúa rẫy là một bề dày bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm nay, vụ lúa rẫy của đồng bào T’rin được mùa, cùng với gạo giữ rừng, gạo hỗ trợ của Nhà nước, bà con nơi đây đã không còn lo cái đói, đặc biệt là những ngày giáp hạt. Đến Giang Ly những ngày đầu tháng 1, lúa mới được phơi trong các sân, mùi cơm lúa rẫy chín tỏa ra ngào ngạt, lan khắp thôn, bản bởi lúa được trồng hoàn toàn tự nhiên theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Mặc khác, hạt gạo được giã thủ công nên giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cao.
Năm 2021, xã Giang Ly có khoảng 32 ha lúa rẫy. Diện tích trồng lúa biến động theo từng năm, bởi tập quán trồng trọt của đồng bào. Mỗi năm, lúa rẫy chỉ được trồng đúng một mùa vụ, từ tháng 6 đến tháng 12 hoặc sớm hơn từ tháng 5 đến tháng 11.
Quy trình trồng lúa rẫy khái quát ngắn gọn thì rất đơn giản. Vào đầu mùa vụ, đồng bào chọn những con đồi thoải vừa dốc, kết hợp trồng lúa rẫy khi cây keo còn thấp. Khi mưa xuống, đất mềm và tơi hơn, bà con lấy những hạt lúa giống đã tuyển chọn gieo vào đất.
Không có cày bừa như lúa nước, chỉ có hình ảnh người đàn ông đi trước đào lỗ, người phụ nữ bỏ hạt lúa xuống rồi lấp đất lại. Trải qua quá trình dầm mưa, dãi nắng, cây lúa hội đủ linh khí của đất trời, đơm bông, tỏa hương thơm ngào ngạt, đúng tháng thứ 6 của chu kỳ sinh trưởng. Cả quá trình trồng lúa rẫy, cây lúa không hề được chăm bón phân thuốc, chỉ được làm cỏ.
Mùa thu hoạch đến, lúa chín vàng ươm cả những vạt đồi. Người trong thôn đổi công cho nhau để thu hoạch lúa nên thời vụ diễn ra rất nhanh. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, họ dựng chòi trên rẫy, thay phiên nhau tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi chứ không dùng liềm để cắt lúa như ở miền xuôi.
Cây lúa sau thu hoạch, tự mục thành phân bón cho các cây keo trên triền đồi. Lúa được phơi khô, người T’rin chọn những hạt lúa to, căng tròn phơi khô cất giữ trong ống lồ ô làm giống cho vụ sau.
Chị Cà Thêm cho biết, trước mùa vụ năm nay, thời tiết không có mưa nên vụ mùa bị chậm hơn mọi năm, cả mùa vụ chỉ làm cỏ 2 lần. Những ngày đầu tháng 1, tranh thủ thời tiết thuận lợi, từ sáng sớm chị cùng người thân ra đồng.
Chỉ trong một buổi sáng, đám ruộng rộng cả một ngọn đồi đã thu hoạch xong. “Thời tiết năm nay không đảm bảo nhưng năng suất lúa vẫn đạt ở mức khá. Bà con vui mừng, phấn khởi lắm! Nhà tôi gieo hơn 5 gùi giống nay cũng tuốt được 20 bao lúa tươi. Mọi người gùi lúa trĩu lưng mà gương mặt ai cũng rạng rỡ,” chị Cà Thêm cười nói vui vẻ.
Đổi công tuốt lúa cho nhà chị Cà Thêm, chị Cà Hôm cho biết, việc trồng lúa này có từ ngày xưa, ông bà truyền lại cho hạt giống để gieo trồng. Người trong thôn từ nhỏ ai cũng biết cách trồng lúa rẫy, keo, bắp (ngô), mì (sắn)...
Tùy thời tiết có năm được mùa, có năm mất mùa. Trong suốt 6 tháng lúa sinh trưởng, người T’rin đi làm thuê, trồng rừng keo, phát rẫy để kiếm sống nên cuộc sống của các gia đình nơi đây, những năm gần đây cũng gọi là no đủ.
[Đề xuất hỗ trợ lúa giống cho nông dân ĐBSCL sản xuất vụ Đông Xuân]
Theo các già làng ở Khánh Vĩnh, văn hóa lúa rẫy đặc sắc nhất phải là thời điểm Lễ cúng lúa mới. Hàng năm, sau khi thu hoạch xong, nếu lúa đạt sản lượng cao, người T’rin tổ chức ăn mừng trong gia đình để cảm ơn trời đất đã ban cho một vụ mùa bội thu.
Vào những ngày lễ quan trọng trong năm như: Lễ ăn đầu lúa mới, lễ bỏ mả, lễ báo hiếu. Các lễ vật thường cúng dâng các vị thần là gà, vịt, heo và không thể thiếu hạt cơm lúa rẫy, rượu cần làm từ lúa rẫy...
Ông Pi Năng Hà Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giang Ly cho biết, do đặc điểm riêng về địa hình và phong tục tập quán sản xuất nên người dân vẫn duy trì lúa rẫy. Tuy năng suất không cao, toàn xã có 32 ha chỉ đạt sản lượng 78 tấn nhưng việc trồng xen canh lúa rẫy có sức sống tốt với cây keo, tận dụng được đất rừng để sản xuất lương thực.
Xét về mặt kinh tế chưa cao nhưng nó đảm bảo cho người dân không bị thiếu đói. Chúng tôi đang tìm cách nâng dần năng suất cho cây lúa rẫy để người dân không những đủ ăn mà còn có thể bán để kiếm thêm thu nhập.
Trước thực tế diện tích trồng lúa đã nhường lại cho nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, địa phương khuyến khích người dân cố gắng giữ gìn bản sắc, phong tục truyền thống đẹp từ xa xưa của đồng bào mình. Cùng với đó, địa phương cũng ưu tiên xét duyệt việc cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Vĩnh để duy trì sản xuất đối với những hộ có nhu cầu.
“Ủy ban Nhân dân xã sẽ phổ biến những kiến thức, kỹ thuật canh tác mới, phù hợp để năng suất lúa được cao hơn. Trong tương lai, với tiềm năng về du lịch khám phá vẻ đẹp thiên nhiên đồi núi, địa phương sẽ tích cực đề xuất với chính quyền các cấp cần có cơ chế phù hợp, tích cực nghiên cứu, lập đề án gắn sản xuất lúa rẫy với phát triển du lịch cộng đồng, để vừa đảm bảo kinh tế, vừa góp phần giữ gìn, duy trì và phát huy được những bản sắc văn hóa dân tộc của cha ông," ông Pi Năng Hà Duy nói./.