Thực hiện Công điện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, các địa phương, các ngành, đơn vị trong tỉnh đang triển khai công tác ứng phó với bão số 12 và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền, kể cả tàu du lịch còn hoạt động trên biển khẩn trương trở về bờ hoặc tìm chỗ tránh, trú bão an toàn.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thông báo cho ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, tàu du lịch, phương tiện đi lại trên biển ngưng hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển trước 18 giờ ngày 9/11 cho đến khi bão tan.
Các địa phương ven biển vận động, hướng dẫn ngư dân đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên biển neo buộc lồng bè, tàu thuyền đảm bảo an toàn, bắt buộc phải trở vào bờ trước 18 giờ ngày 9/11.
Đối với công tác ứng phó bão trên đất liền, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát ngay khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị tại khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ.
Khánh Hòa kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Ngoài ra, lực lượng chức năng rà soát khu vực cầu, ngầm, tràn... thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi có mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng hướng dẫn, chốt chặn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tổ chức rà soát lực lượng, sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị để đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và kịp thời triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước cũng triển khai trực ban 24/24 giờ, theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ nhằm điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
[Infographics] Vị trí và đường đi của bão số 12 trên Biển Đông
Tương tự tỉnh Khánh Hòa, ngày 9/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện, thông báo, hướng dẫn cho các chủ tàu hướng di chuyển của bão để chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn; tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết, không liên quan đến công tác phòng chống bão, mưa lũ sau bão.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão trên địa bàn; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt.
Thời gian hoàn thành di dời trước 18 giờ ngày 9/11.
Đồng thời, các địa phương tổ chức lực lượng rà soát các khu dân cư vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm tràn; cắm biển báo, cấm, bố trí lực lượng chốt chặn để người dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại.
Để chủ động ứng phó với bão số 12, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên đã ban hành văn bản 975/SGĐT-VP yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho phép học sinh Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Giáo dục thường xuyên nghỉ học ngày 10/11.
Trường hợp bão số 12 gây ngập lụt, sạt lở mất an toàn, lãnh đạo các trường chủ động tiếp tục cho học sinh tạm nghỉ học để đảm bảo an toàn; có phương án bảo vệ tài sản, thiết bị dạy học, duy trì lực lượng ứng trực tại cơ quan đơn vị 24/24.
Trước đó, sáng 9/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh cấm biển.
Trong khi đó, tại Ninh Thuận, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển, trước diễn biến của cơn bão số 12, sáng 9/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lưu Xuân Vĩnh đã ký công điện nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển, bắt đầu từ 12 giờ cùng ngày cho đến hết bão.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương ven biển khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền về neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão theo quy định là các cảng Ninh Chữ, Đông Hải và Cà Ná; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 18 giờ ngày 9/11.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần khẩn trương kiểm tra, rà soát, có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; khu nuôi trồng thủy sản; khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu công trình thủy lợi; vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vùng trũng thấp thường bị ngập lụt…; qua đó có phương án di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận), cho biết tính đến 10 giờ sáng 9/11, tại các bến cảng của tỉnh có 2.083 chiếc tàu với 11.115 lao động đã vào bờ và neo đậu; 434 tàu với 3.903 lao động còn lại đang đánh bắt trên vùng biển các tỉnh phía Nam.
Cơ quan chức năng của tỉnh đã liên lạc và kêu gọi số tàu này vào bờ neo đậu tại các cảng biển gần nhất./.