Khánh Hòa nỗ lực phát triển dịch vụ gia tăng níu chân du khách

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng đưa Festival Biển thành thương hiệu của ngành du lịch địa phương và trăn trở với bài toán về những dịch vụ gia tăng để níu chân du khách ở lâu hơn với thành phố biển.
Vẻ đẹp khó cưỡng của Vịnh Kim cương. (Ảnh: Seacher Vn)

Kỳ vọng đưa Festival Biển Nha Trang trở thành thương hiệu của ngành du lịch địa phương và trăn trở với bài toán về những dịch vụ gia tăng để níu chân du khách ở lâu hơn với thành phố biển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban chỉ đạo Festival Biển Nha Trang lần thứ 7-2015 (11-14/7), ông Trần Sơn Hải đã cho thấy một quyết tâm “làm thật” ở vùng đất được thiên nhiên dành nhiều ưu đãi này.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu Festival Biển

- Qua 6 kỳ tổ chức, kỳ nào cũng có tới 50-60 hoạt động phong phú, Festival Biển Nha Trang giờ đây đã trở thành sự kiện được du khách trong và ngoài nước quan tâm. Liệu trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa có nâng tầm quảng bá về mặt quốc tế cho sự kiện này không, thưa ông?

Ông Trần Sơn Hải: Thực ra, lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng rất quan tâm tới các hoạt động quốc tế để gắn kết những thị trường mình cần. Nhưng trong điều kiện vài năm qua, xã hội hóa nguồn kinh phí quảng bá cũng rất khó.

Ví dụ, thường trong mỗi kỳ Festival trước đây đều có các doanh nghiệp đứng ra tài trợ cho các đoàn nghệ thuật nước ngoài sang Việt Nam ăn, ởm, đi lại, phía tỉnh chỉ đứng ra làm các thủ tục hành chính rồi mời khách quốc tế. Thế nhưng hiện tại họ đang khó khăn nên không có điều kiện tài trợ cho Festival nữa.

Vì thế, để mời những đoàn nghệ thuật nước ngoài đã từng có quan hệ giao lưu với Khánh Hòa tham gia Festival cũng rất khó. Thậm chí, lúc đầu có những đoàn đăng ký rồi sau đó cũng xin rút lui, nên những hoạt động giao lưu với quốc tế của Festival Biển năm nay cũng hạn chế.

- Thực tế, 60 sự kiện trong khuôn khổ Festival Biển Nha Trang năm nay là quá dàn trải. Nên chăng ban tổ chức nên thu gọn bớt các sự kiện để tập trung cho một số sự kiện chính có chất lượng? Như kỳ trước có Festival Thuyền buồm quốc tế, vừa hấp dẫn, thu hút vừa tập trung xây dựng được thương hiệu cho sự kiện…

Ông Trần Sơn Hải: Đó cũng là một ý tưởng hay và chúng tôi sẽ nghiên cứu. Tuy nhiên, để các đoàn quốc tế tham gia Festival thì không đơn giản như trong nước, vì phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và từ rất lâu.

Ví dụ như hiện nay chúng tôi đang thông qua đại sứ quán Việt Nam ở Anh quốc để tổ chức một cuộc đua thuyền buồm trong chuỗi đua thuyền buồm quốc tế do một hãng lớn của Anh đã tổ chức 20 năm nay, dự kiến vào dịp Tết Nguyên đán sẽ ghé vào Việt Nam.

Tuy nhiên, phía bạn yêu cầu cũng rất cao, ví dụ như đơn vị nào muốn tham gia để trở thành một trong các điểm đến trên hành trình tour này phải đóng 1,5 triệu bảng. Một con số quá lớn. Nếu có tham gia, số tiền này phải được huy động từ các doanh nghiệp chứ không thể chi từ ngân sách.

Hoàng hôn bên biển Nha Trang. (Ảnh: Seacher Vn)

Đau đầu bài toán kinh doanh du lịch

- Sau 6 lần tổ chức Festival Biển ông thấy khó khăn nhất trong công tác tổ chức là gì?

Ông Trần Sơn Hải: Cái khó nhất mà hiện nay là chúng tôi đang muốn đẩy dần hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên của ngành du lịch chứ không phải từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước nữa, nhà nước sẽ chỉ đứng hỗ trợ phía sau thôi. Để có thể biến Festival Biển trở thành thương hiệu của ngành du lịch quả thực rất khó khăn.

- Rõ ràng Festival Biển là sự kiện du lịch, và Khánh Hòa không thiếu gì các “đại gia” du lịch, vậy theo ông vấn đề nằm ở cơ chế nhà nước đã không “buông” để cho các doanh nghiệp cùng chung tay hay khó khăn nằm ở đâu?

Ông Trần Sơn Hải: Nói thế nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng không phải không gặp khó khăn. Vì thực ra, kinh doanh như thế nhưng hiệu quả buồng phòng trên công suất hiện nay của các doanh nghiệp không cao. Chúng ta phải thừa nhận một điều như vậy.

Lợi nhuận của họ không được như trước, cho nên bây giờ chỉ cố gắng duy trì hoạt động của khách sạn, đấy đã là quý trong điều kiện hiện nay.

- Nhưng nguồn thu du lịch không chỉ là buồng phòng mà quan trọng hơn là việc khách sử dụng dịch vụ du lịch, chi tiêu mua sắm… Vậy Khánh Hòa có kế hoạch đầu tư thêm gì về dịch vụ gia tăng, du lịch giải trí, để níu chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu mua sắm nhiều hơn?


Ông Trần Sơn Hải:
Vấn đề này hiện cũng đang là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Lâu nay, chúng ta mới đặt vấn đề lưu trú làm sao cho tạm đủ nhưng làm sao để kéo dài thời gian lưu trú của khách và thời gian lưu trú đó phải ấn tượng chứ không chỉ có phơi nắng rồi tắm biển.

Câu chuyện này Khánh Hòa cũng đang phải tính toán và bản thân nhà đầu tư cũng phải tính để kinh doanh làm sao cho có lãi.

Đúng là kinh doanh khách sạn thời điểm này không phải là lãi nhất, mà dịch vụ mới mang lại lợi nhuận cao nhất. Nhưng điều kiện về đất đai, về thị trường cũng đang làm các nhà đầu tư phải tính toán.

Ví dụ như các khu vui chơi giải trí không thể đưa về ngoại ô mà phải nằm ở trung tâm để thuận tiện cho các hoạt động của khách, nhưng nếu nằm ở nội đô thì quỹ đất không còn.

Hiện nay, một số hạng mục đầu tư đã được chúng tôi hạ ngầm dọc ven biển. Cách làm này chúng tôi cũng đang phải tính toán rất nhiều, nhất là với những câu lạc bộ đêm. Chúng tôi còn phải thăm dò thêm thị trường, bản thân doanh nghiệp khi đầu tư họ cũng phải cân nhắc tính toán, về phía nhà nước quy hoạch cũng đang phải “nâng lên đặt xuống.”

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục