Khánh Hòa: Nhiều dự án đầu tư lớn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế

Với nguồn đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài ngân sách, Khánh Hòa hiện có một số dự án lớn, quan trọng đã và đang triển khai thực hiện, sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới.
Khu vực cảng Bắc Vân Phong. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đối với nguồn đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài ngân sách, toàn tỉnh hiện có một số dự án lớn, quan trọng đã và đang triển khai thực hiện, sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới.

Đó là dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD; Cảng tổng hợp Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong, Khu công nghiệp Ninh Thủy; các cụm công nghiệp như Diên Phú-VCN, Trảng É 1, Sông Cầu…; các nhà máy điện Mặt Trời như Sông Giang, KN Cam Lâm, AMI...; các dự án khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh như Vinpearl Long Beach villas, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hà, Fusion Maia Nha Trang Resort...

Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 nói chung và năm 2022 nói riêng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, kịp thời giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng; kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép; đẩy nhanh công tác giải ngân, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả.

Một số dự án công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng đang được triển khai thi công hoặc chuẩn bị đầu tư như Dự án cao tốc đoạn Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang được triển khai thi công; đoạn Vân Phong-Nha Trang đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, dự án cầu Xóm Bóng, dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột... Các dự án khi hoàn thành sẽ phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

[Đưa Khánh Hòa trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên]

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có thêm 1.023 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 44% so cùng kỳ năm trước với tổng số vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng, tăng hơn 96% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tính đến nay đạt gần 11 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 37%. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Khánh Hòa trong quý 2 cho thấy có gần 69% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn quý trước và 22,38% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, chỉ có xấp xỉ 9% số doanh nghiệp đánh giá vẫn còn gặp một số khó khăn.

Gần 69% số doanh nghiệp dự kiến xu hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3/2022 sẽ tốt hơn so với quý 2 và 20,89% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, chỉ có 10,45% số doanh nghiệp dự báo vẫn còn gặp khó khăn.

Đối với khối lượng sản xuất, đã có trên 67% số doanh nghiệp ở Khánh Hòa đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý 2/2022 tăng so quý trước và 22,39% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.

Về xu hướng trong quý 3 có 65,67% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng so quý 2 vừa qua và 25,37% số doanh nghiệp dự báo ổn định, chỉ có xấp xỉ 9% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, trong quý 2 vừa qua đã có trên 53% số doanh nghiệp tại Khánh Hòa khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới tăng so với 3 tháng đầu năm, 20% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định.

Qua đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay của tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 790 triệu USD, tăng trên 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 3 đã có 62,5% số doanh nghiệp ở Khánh Hòa dự báo tăng đơn hàng xuất khẩu tăng so với quý 2 và 31,25% số doanh nghiệp dự báo ổn định, chỉ có 6,25% số doanh nghiệp dự kiến giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục