Khánh Hòa: Mưa lũ gây ngập trên diện rộng, 10 ngôi nhà bị sập

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến tối 16/12, mưa lũ đã gây ra thiệt hại và khiến nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn.
Trường học ở thành phố Nha Trang bị ngập nước sâu nên học sinh phải nghỉ học. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến tối 16/12, mưa lũ đã gây ra thiệt hại và khiến nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn có 10 ngôi nhà bị sập, trong đó 5 nhà ở huyện Vạn Ninh, 3 nhà ở huyện Cam Lâm, còn lại ở thành phố Cam Ranh.

Các địa phương tổ chức sơ tán 138 hộ dân, sinh sống ở triền núi, vùng bị ngập lụt nặng đến nơi an toàn, trong đó thành phố Cam Ranh 110 hộ, huyện Cam Lâm 22 hộ, còn lại ở thành phố Nha Trang.

Trên các tuyến tỉnh lộ 8, 9; đường qua đèo Cổ Mã, nhiều điểm trên đường sắt Bắc-Nam đoạn qua địa bàn Khánh Hòa, bị xói lở, đường bị đất đá sạt lở vùi lấp.

Quốc lộ 1A, đoạn qua các phường Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Phú thuộc thành phố Cam Ranh bị ngập từ 0,2-0,6m, gây ách tắc giao thông. Chiều cùng ngày, tình trạng ngập lụt trên tuyến đường này đã giảm bớt, nên các phương tiện đã lưu thông trở lại.

Tại huyện Cam Lâm, kênh chính nam hồ chứa nước Cam Ranh, đoạn qua xã Cam Thành Bắc bị vỡ một đoạn dài 20m. Hiện nay, địa phương đang huy động lực lượng dân quân và quân đội khắc phục. Các xã Cam Phước Tây, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, Cam Hòa bị cô lập hoàn toàn.

Huyện Vạn Ninh đã có trên 1.000 ngôi nhà bị ngập; hơn 1.600ha lúa cùng hàng trăm ha hoa màu, bị nước lũ nhấn chìm; 23 tàu cá công suất từ 20-40 CV bị chìm. Các địa phương vùng hạ du của thành phố Cam Ranh, hiện vẫn đang tiếp tục triển khai di dời dân đến nơi an toàn.

Lũ trên sông Cái hiện đã trên báo động 2, lũ trên sông Dinh đã vượt báo động 3. Trong khi đó, nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh vẫn đang xả lũ với lưu lượng khá lớn như Suối Dầu 199 m3/s, Tà Rục 207 m3/s, Cam Ranh 206 m3/s…

Ông Nguyễn Thái Như Trị, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ; xả lũ với lưu lượng lớn vào ban ngày và giảm vào ban đêm; thông báo cho vùng hạ du biết về việc xả lũ.

Ngày 16/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ vào kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ tại tỉnh Bình Định và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra; kiến nghị, đề xuất Trung ương, các bộ, ngành chức năng hỗ trợ tỉnh tiếp tục khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn đã khẩn trương ứng phó với mưa lũ.

Cùng với sự vào cuộc kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Trung ương, các lực lượng vũ trang quân khu và tỉnh đã góp phần hạn chế những thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Do tình hình mưa lũ tại tỉnh kéo dài, có đến 4 đợt liên tục nên thiệt hại về người và tài sản là quá lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gửi lời thăm hỏi và chia sẻ đến những gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương, những gia đình bị thiệt hại nặng về tài sản, gia đình chính sách và những hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trước mắt lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ứng phó với tình hình mưa lũ hiện nay.

Đối với tỉnh Bình Định, cần tiếp tục phương án “4 tại chỗ” để ứng phó hiệu quả với mưa lũ, huy động tốt mọi nguồn lực, nắm chắc tình hình, có các phương án ứng phó kịp thời mọi tình huống xảy ra.

Các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh 2.000 tấn gạo; 15 tấn lương khô, 10 nghìn chai nước uống, 1.100 phao cứu sinh và áo phao, cùng 10 canô để tiếp tục ứng phó kịp thời với mưa lũ.

Những nơi qua lại bị ngập lụt xung yếu cần kiểm tra và tăng cường lực lượng chốt chặn, không để người dân đi qua gây thiệt hại tính mạng.

Địa phương cần tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời những gia đình có người chết, mất tích, bị thương, thiệt hại nặng về nhà cửa; chuẩn bị mọi lực lượng sau khi nước lũ rút, giúp dân khắc phục lại nhà cửa, vệ sinh môi trường và khắc phục hệ thống hạ tầng để sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Các địa phương phối hợp với các Đoàn công tác của các bộ, ngành chức năng Trung ương tổ chức kiểm tra, thống kê thiệt hại, có các phương án khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Trung tâm Dự báo khí tượng quốc gia cần có các dự báo chính xác và phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác thông tin tuyền truyền, góp phần để công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ từ Trung ương đến địa phương ngày càng hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng ghi nhận, từ đó xem xét giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh về hỗ trợ kinh phí, giống sản xuất khắc phục hậu quả mưa lũ...

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua 4 đợt mưa lũ vừa qua, từ cuối tháng 11 đến 16/12, trên địa bàn tỉnh có 25 người bị chết, 10 người bị thương; 348 ngôi nhà bị sập, 398 ngôi nhà bị tốc mái và trên 57.432 ngôi nhà bị ngập lũ; 128,5km đường bị hư hỏng, 310 điểm bị sạt lở, 96 cống tiêu và 27 cầu bị sập hoàn toàn; 86,6 km đê, kè bị sạt lở nặng, 247 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, 36 đập dâng bị hư hỏng nặng, gần 31 km bờ sông sạt lở.

Về sản xuất có 13. 625ha lúa Đông Xuân mới gieo sạ bị ngập hư hỏng hoàn toàn, 3.526ha hoa màu, 100ha cây giống, 3.180 con gia súc, 195.540 con gia cầm bị hư hỏng và nước lũ cuốn trôi; trên 1.012 tấn lúa giống bị hư hại và 236 ha nuôi trồng thủy sản, 5 tàu cá bị bị ngập nước và bị chìm... Tổng thiệt hại trên 1.230 tỷ đồng. Tỉnh Bình Định kiến nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua.

Trong 4 ngày qua, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ đã phải chịu đợt mưa lũ lớn gây thiệt hại về người và tài sản.

Ngày 16/12, thay mặt Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn đã ký các Quyết định hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Phú Yên. Theo đó, quyết định hỗ trợ Bình Định 2 tỷ đồng; Quảng Ngãi 2 tỷ đồng; Phú Yên 1,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, mất tích 5 triệu đồng/người; người bị thương nặng là 3 triệu đồng/người và hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hư hỏng nặng do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.

Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh trên có trách nhiệm rà soát lập danh sách các gia đình bị thiệt hại để kịp thời hỗ trợ, tùy theo mức thiệt hại để phân bổ và sử dụng kinh phí hợp lý, hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng theo Nghị định số 64 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục