Khánh Hòa: Khu kinh tế Vân Phong thu hút trên 150 dự án đầu tư

Khu kinh tế Vân Phong hiện có 123 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 1,39 tỷ USD, đạt 33% vốn đăng ký.
Dự án Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 (thuộc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong) mặc dù thi công trong giai đoạn khó khăn nhưng tiến độ vượt kế hoạch 0.6%. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Dự án Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 (thuộc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong) mặc dù thi công trong giai đoạn khó khăn nhưng tiến độ vượt kế hoạch 0.6%. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa hiện đã thu hút được 153 dự án đầu tư. Đây là khu kinh tế có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ.

Khu kinh tế đã có 123 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 1,39 tỷ USD, đạt 33% vốn đăng ký; trong đó, có 89 dự án đã đi vào hoạt động; 63 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, khu kinh tế đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh trên 20.950 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 6.200 lao động.

Kết quả thu hút đầu tư này chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) còn khu vực bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gần như vẫn giữ nguyên trạng, chưa khai mở được tiềm năng.

Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhận định Khu kinh tế Vân Phong có đóng góp quan trọng, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Các dự án đầu tư vào khu kinh tế cũng đã hỗ trợ cho địa phương sở tại đầu tư, xây dựng hạ tầng. Cùng với đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình khó khăn, các em học sinh trên địa bàn bằng nhiều chương trình, hoạt đồng vì cộng đồng.

Khánh Hòa: Khu kinh tế Vân Phong thu hút trên 150 dự án đầu tư ảnh 1Các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa tăng cường kiểm tra các dự án tại Khu kinh tế để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Chẳng hạn, như trong giai đoạn hiện nay, dự án Nhà máy Điện BOT Vân Phong 1, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vân Phong đầu tư, là dự án có quy mô và số vốn đầu tư lớn nhất tại Khu kinh tế Vân Phong, đạt 2,58 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 10/2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn song đến nay tiến độ xây dựng đã đạt 22.9% kế hoạch.

[Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Khánh Hòa]

Dự án này sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 2.000 lao động; trong đó, lao động tại thị xã Ninh Hòa có trên 340 người; thúc đẩy phát triển các hoạt động công nghiệp, dịch vụ phụ trợ trong khu vực, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Về an ninh năng lượng, dự án sẽ đóng góp khoảng 4% lượng điện năng toàn quốc, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt điện năng tại miền Nam từ năm 2023, khi dự án đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vân Phong mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa sớm xem xét và chấp thuận quy trình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vân Phong thực hiện hoàn trả khu vực đất có diện tích 6,6ha để tỉnh Khánh Hòa giao lại cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện xây dựng Trạm biến áp 500/220kV Vân Phong. Đồng thời hỗ trợ đẩy nhanh quy trình xin nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại nhà máy đảm bảo cách ly phòng dịch theo quy định.

Để tiếp tục phát triển Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tranh thủ tối đa mọi nguồn lực ưu tiên hỗ trợ từ Trung ương để tập trung xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ các cơ quan Trung ương đối với việc xây dựng, ban hành và áp dụng các chính sách phát triển đặc thù cho khu vực vịnh Vân Phong, đưa Vân Phong trở thành khu kinh tế ven biển ưu tiên có tính chiến lược phát triển của quốc gia và khu vực.

Mặt khác Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ động liên kết với các địa phương lân cận vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển như Phú Yên, Đắk Lắk để cùng phối hợp xây dựng chiến lược liên kết phát triển vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục