Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 1.300 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó, số bệnh nhi ở thể nặng tăng cao đột biến.
Theo thống kê, thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa là những địa bàn có số ca mắc cao, chiếm hơn một nửa số ca mắc của toàn tỉnh.
Trong tháng 8 và tháng 9, chỉ tính riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã có 393 ca mắc bệnh, trong đó 25 ca mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ nặng (mức độ 2B) và 7 ca bệnh nhân rất nặng (mức độ 3), tất cả đều là những bệnh nhi dưới 6 tuổi.
Chị Hồ Thị Diễm My (huyện Diên Khánh) có cháu 2 tuổi, đang được điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa, cho biết sau khi phát hiện cháu nóng, sốt, gia đình đã tự mua thuốc hạ sốt cho cháu nhưng không có dấu hiệu phục hồi. Hai ngày sau đó, gia đình mới đưa cháu đi khám, lúc này tình trạng bệnh đã nặng, bệnh nhi phải nằm hồi sức, cách ly.
Bác sỹ Nguyễn Vũ Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, số ca tay chân miệng năm nay nhập viện tăng cao. Chỉ mới 9 ngày đầu tháng 10, bệnh viện lại tiếp nhận 185 ca, trong đó có đến 16 ca bệnh nặng, đang được điều trị tích cực và có trường hợp gặp biến chứng.
[Bộ Y tế: Chống quá tải, lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm]
Đáng chú ý, một số ca bệnh nặng và diễn biến quá nhanh, bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị.
“Bệnh tay chân miệng là bệnh chưa có vắcxin điều trị, do đó để tránh tình trạng bùng phát dịch trên diện rộng; dịch chồng dịch, phụ huynh cần chú ý vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên chủ quan khi phát hiện các triệu chứng: nóng, sốt, nổi vết bỏng nhỏ ở tay chân... Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, người nhà cần đưa đi khám, cách ly với trẻ khác để tránh tình trạng lây lan, phát tán dịc," bác sỹ Nguyễn Vũ Quốc Bình khuyến cáo./.