Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh kể từ năm 2014 với nhiều quy định nghiêm ngặt về đánh bắt thủy hải sản ven bờ, nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, đảm bảo lợi ích lâu dài.
Theo đó, ngư dân sẽ phải hạn chế tối đa việc khai thác hải sản trên hệ thống đầm, vịnh, vốn có giá trị lớn về mặt sinh thái, du lịch và các ngành kinh tế quan trọng khác, như các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh; các đầm Thuỷ Triều, Nha Phu...
Bên cạnh quy định mang tính chất chung về việc tàu có tổng công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV không được khai thác hải sản ven bờ, tỉnh Khánh Hòa cấm tất cả các nghề lưới kéo (giã cào, cào sò) khai thác thủy sản tại các đầm, vịnh nói trên.
Tỉnh cũng cấm tất cả các nghề khai thác thuỷ sản hoạt động trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn biển Hòn Mun; cấm đặt bẫy, nhử khai thác tôm hùm giống trên vịnh Nha Trang; cấm các nghề đăng, đáy hoạt động trong đầm Thủy Triều, đầm Nha Phu.
Ngoài ra, nghề lờ dây không được phép khai thác tại các đầm, vịnh kể trên và cả các vùng nước thuộc cửa sông, cửa lạch...
Tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 9.800 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có gần 1.150 tàu (chiếm 11,66%) đủ điều kiện khai thác xa bờ, còn hơn 8.660 tàu lâu nay khai thác hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng, dẫn đến nguồn lợi thủy sản tại những vùng này trở nên suy kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và thu nhập của cộng đồng ngư dân./.