Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão

Khánh Hòa yêu cầu, các địa phương chủ động bố trí lực lượng chốt chặn, sơ tán người dân tại điểm có nguy cơ sạt lở; Gia Lai đảm bảo lương thực, thực phẩm tại khu vực ngập sâu và chia cắt.
Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão ảnh 1Người dân ven biển chủ động phòng chống bão số 4. (Ảnh minh họa. Trần Tĩnh/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 26/9, trên 2.630 phương tiện tàu, thuyền của địa phương đã vào nơi neo đậu, trú bão; 729 phương tiện còn lại đang hoạt động tại các vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu đến Kiên Giang, không thuộc khu vực nguy hiểm của bão số 4.

Đối với khu vực nuôi trồng thủy hải sản trên biển, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã thông báo, hướng dẫn người dân chằng chống bè nuôi, sẵn sàng đưa lao động trên lồng bè vào bờ trú ẩn khi có lệnh.

Tỉnh yêu cầu, các địa phương chủ động bố trí lực lượng chốt chặn, sơ tán người dân tại điểm có nguy cơ sạt lở, khu vực ngầm, cầu, tràn, nơi nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn.

Sở Du lịch đã ban hành văn bản, chỉ đạo doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lưu trú thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách, nhất là tại điểm ven biển, trên các đảo.

Địa bàn tỉnh có 31 hồ chứa nước (28 hồ chứa thủy lợi, 3 hồ chứa thủy điện) với tổng dung tích là 250 triệu m3; tổng dung tích trữ ở các hồ hiện ở mức 170 triệu m3, đạt 68%. Tuy nhiên, 6 hồ chứa đang có dung tích chứa xấp xỉ 100% nên phải xả điều tiết nhằm hạ thấp mực nước để chủ động ứng phó với khả năng mưa lớn trong những ngày tới do bão. Trong đó, hồ Suối Trâu (thị xã Ninh Hòa) xả 42 m3/s, hồ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) xả 20 m3/s, hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh)xả mức 9 m3/s, hồ Suối Dầu xả 13,5m3/s, hồ Cam Ranh xả 17,6 m3/s và hồ Tà Rục (cùng ở huyện Cam Lâm) xả 1,2 m3/s.

[Bão số 4 giật cấp 12: Nhà cấp 4, tường gạch 10 rất khó chống chịu]

Trước diễn biến phức tạp, cường độ mạnh của bão số 4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có công điện về việc tập trung ứng phó khẩn cấp đối với cơn bão. Theo đó, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân triển khai công tác ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Các ngành, địa phương phân công lãnh đạo và triển khai lực lượng xuống địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó với bão ở cơ sở, có phương án bảo vệ người, tài sản...

Gia Lai đảm bảo lương thực, thực phẩm tại khu vực ngập sâu và chia cắt

Sáng 26/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có Công điện số 03 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022 có dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thời tiết khu vực Bắc Tây Nguyên.

Theo dự báo, từ ngày 27/9 đến sáng 29/9, thời tiết khu vực tỉnh Gia Lai có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa trong cả đợt phổ biến từ 100-250mm, cục bộ có nơi lượng mưa lớn hơn 300mm.

Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc tại các xã, phường: Phù Đổng (thành phố Pleiku), Đak Rong (huyện K'bang), Ia Sươm, Ia Mlah, Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar (huyện Krông Pa), Đak Pling (huyện Kông Chro), Ia Ake (huyện Phú Thiện). Một số địa phương khác có sông, suối cần thường xuyên theo dõi thời tiết để giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai nhận định mặc dù các dự báo về quỹ đạo của bão số 4 tương đối thống nhất giữa cơ quan dự báo quốc tế cũng như Việt Nam nhưng diễn biến, cường độ còn khá phức tạp. Dự báo cường độ bão còn có thể thay đổi khi đi vào giữa Biển Đông và áp sát bờ. Vì vậy, chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn bà con theo dõi, cập nhật bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất. Ủy ban Nhân dân tỉnh tích cực rà soát thông tin để có phương án dự phòng, di dời người dân tại khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao từ cơn bão này.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Trong đó, tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động biện pháp phòng, chống giảm thiểu thiệt hại...

Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão ảnh 2(Ảnh minh họa. Phạm Cường/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương phải có phương án rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi mưa, bão ảnh hưởng và đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, nước uống.

Các chủ đầu tư, chủ hồ tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Đói với các hồ đã đầy nước, cơ quan chức năng cần chủ động điều tiết để đảm bảo cao trình mực nước đón lũ theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại hồ đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt. Ngành chức năng triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời xử lý sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.

Ngư dân Phú Yên khẩn trương di chuyển lồng nuôi thủy sản đến nơi an toàn

Để ứng phó với cơn bão số 4, ngư dân các vùng nuôi thủy sản tỉnh Phú Yên đang khẩn trương di chuyển lồng bè đến nơi an toàn để giảm thiểu thiệt hại.

Từ sáng sớm 26/9, tại khu vực Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An), các hộ nuôi tôm hùm giống bắt đầu di chuyển lồng nuôi vào bờ. Tôm hùm giống được đưa vào nuôi tạm trong những thùng xốp. Rút kinh nghiệm từ đợt thiên tai bất thường xảy ra vào cuối tháng 3, bà con không chủ quan mà thực hiện đúng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão ảnh 3Ngư dân thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đưa tàu thuyền vào bờ để tránh bão số 4. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Ông Nguyễn Thanh Tài, người nuôi tôm ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, cho biết gia đình ông nuôi hơn 10.000 con tôm giống đã qua 20 ngày tuổi. Nghe dự báo cơn bão số 4 rất lớn, ngư dân chủ động đưa tôm vào bờ nuôi tạm, sau khi hết bão lại thả nuôi trở lại. Những lần trước, có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, người nuôi chủ quan nên thiệt hại rất lớn.

Xã An Hòa Hải là vùng nuôi tôm hùm giống lớn để cung cấp cho cả tỉnh Phú Yên và các địa phương lân cận. Theo thống kê, cả xã có 120 hộ nuôi với hơn 2000 lồng, khoảng 4 triệu con tôm. Hộ nuôi ít nhất 1.000 con, nhiều lên đến 20.000 con, tương ứng từ 100 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng mỗi hộ. Vì vậy, việc di chuyển lồng và tôm nuôi đến nơi an toàn sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho người dân.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống bão số 4, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu chính quyền huyện Tuy An hướng dẫn hỗ trợ người nuôi tôm di chuyển toàn bộ số lồng nuôi tôm hùm vào bờ. Khu vực Hòn Yến là vùng biển hở nên nếu có mưa to, sóng lớn sẽ cuốn trôi các lồng bè. Bên cạnh việc di chuyển lồng nuôi, tất cả người làm việc, canh giữ bè tôm phải vào bờ trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Các địa phương như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa có 102.523 ô lồng/2.516 bè nuôi trồng thủy sản với hơn 5.600 người người thường xuyên làm việc và canh giữ. Hiện chính quyền các địa phương đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân di chuyển, chằng chống lồng bè an toàn.

Ngày 26/9, tỉnh Phú Yên đã thực hiện việc cấm các tàu thuyền ra khơi. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương bám sát dự báo diễn biến của bão số 4 để có phương án sơ tán người dân phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục