Khánh Hòa: Đình chỉ hoạt động cơ sở tái chế nhựa phế liệu gây ô nhiễm

Cơ sở tái chế nhựa phế liệu ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa nằm trên khu đất rộng trên 2.200m2, hoạt động gần 2 năm qua bất kể ngày đêm, thải ra nhiều khói độc gây ô nhiễm môi trường.
Khánh Hòa: Đình chỉ hoạt động cơ sở tái chế nhựa phế liệu gây ô nhiễm ảnh 1Đến ngày 11/9, khu nhà tiền chế của cơ sở tái chế nhựa phế liệu đã bị tháo dỡ. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Đến ngày 11/9, cơ sở tái chế nhựa phế liệu ở thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã được tháo dỡ theo văn bản số 5070/UBND của Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm ban hành tuần trước về việc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở do tồn tại nhiều sai phạm, gây ô nhiễm môi trường.

Theo văn bản của Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lâm, cơ sở tái chế nhựa phế liệu do ông Phạm Văn Duy (thường trú tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang) làm chủ có vị trí hoạt động không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện giai đoạn 2010-2020; không có hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải sản xuất theo quy định của pháp luật, nước thải xả trực tiếp ra môi trường; chất thải rắn chưa được thu gom, lưu trữ và xử lý theo quy định.

[Rạng Đông phải chịu trách nhiệm gì sau vụ cháy khiến dân di cư?]

Khánh Hòa: Đình chỉ hoạt động cơ sở tái chế nhựa phế liệu gây ô nhiễm ảnh 2Khu vực đặt máy móc, thiết bị tái chế nhựa phế liệu của cơ sở gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Trước đó, theo phản ánh, kiến nghị của nhiều hộ dân sinh sống xung quanh khu vực, cơ sở này nằm trên khu đất rộng trên 2.200m2, hoạt động gần 2 năm qua bất kể ngày đêm, thải ra nhiều khói độc gây ô nhiễm môi trường, mùi khói nhựa thải trong quá trình tái chế bay vào khu vực khu dân cư xung quanh, nước thải trong quá trình chế biến xả trực tiếp ra môi trường, có màu đen ngòm và hôi thối, khiến nhiều người mắc bệnh về hô hấp và nhiều căn bệnh khác.

Mặc dù chính quyền xã Suối Cát biết sự tồn tại trái phép của cơ sở, đã từng tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính nhưng thiếu kiên quyết và chưa đủ thẩm quyền để buộc cơ sở này chấm dứt hoạt động.

Ngoài việc giao Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho ông Phạm Văn Duy vào ngày 5/6/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lâm còn yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã Suối Cát rút kinh nghiệm trong việc quản lý xây dựng, quản lý đất đai đối với trường hợp của ông Phạm Văn Duy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Suối Cát phải chịu trách nhiệm về người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra các trường hợp tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục