Khánh Hòa: Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán

Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa phát hiện, xử lý 1.826 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 260 vụ so với năm 2022); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 218 tỷ đồng (tăng gần 14,9%).
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn, do đó tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm năm 2024; trong đó, chú trọng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp Tết.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 Khánh Hòa giao Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đầu cơ hàng; chú trọng các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đối với công an tỉnh, chủ động nắm chắc tình hình tội phạm, làm tốt nghiệp vụ cơ bản, kịp thời phát hiện, tổ chức đấu tranh triệt phá các đường dây buôn bàn hàng lậu, gian lận thương mại, tập trung vào nhóm hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu nhập lậu…

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền, thu thập thông tin, tuần tra, kiểm soát, chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2024 được dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong thời điểm Tết Nguyên đán.

Do đó, các đơn vị trong Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cần nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường để từ đó xây dựng giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mặt khác, các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi vi phạm trong mua bán, trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội.

Cùng với đó, là các hoạt động chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định: Thời gian tới, các lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các kho hàng, bến bãi, cơ sở kinh doanh có dấu hiệu chứa chấp hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, nhất là các mặt hàng ma túy, pháo nổ, thuốc lá, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm từ động vật hoang dã, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng điện tử, trang thiết bị y tế…; đặc biệt là những mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng sẽ có các hoạt động trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng liên quan đến quản lý thuế; thường xuyên thông tin cho người dân biết về các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó vận động người dân tham gia tố giác các hành vi, đối tượng vi phạm…

Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa phát hiện, xử lý 1.826 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 260 vụ so với năm 2022); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 218 tỷ đồng (tăng gần 14,9%); trong đó, có 172 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 248 vụ); 1.613 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4 vụ); 41 vụ buôn bán, vận chuyển hàng giả và một số mặt hàng khác (giảm 8 vụ); xử lý hình sự 19 vụ ( tăng 5 vụ) với 25 đối tượng...

Điển hình, vào tháng 10/2023, Chi cục Hải quan kiểm tra soi chiếu hành lý của hành khách nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Canh Ranh phát hiện bắt giữ 4 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép (hơn 148 kg vitamin E (tương đương 1.1440 hộp) và hơn 93 kg Shisha.

Cũng trong thời gian này Đội quản lý thị trường số 6 thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh kính thuốc Quang Thiệu và phát hiện hộ này kinh doanh 535 mắt kính không có nguồn gốc rõ ràng, 56 cái mắt kính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Qua đó, lực lượng đã tiến hành xử phạt 45 triệu đồng và tiến hành tịch thu các sản phẩm không rõ nguồn gốc, tiêu hủy hàng giả mạo nhãn hiệu.

Mới đây nhất, tháng 11/2023, lực lượng Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cũng tuần tra và phát hiện ông Trần Văn T. (sinh năm 1992) vận chuyển khoảng 6.000 lít dầu (theo lời khai là DO) không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục