Khánh Hòa: Đầu tư hơn 166 tỷ đồng trùng tu di tích thành cổ Diên Khánh

Nằm gần thành phố Nha Trang, giữa hàng trăm địa điểm du lịch với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, thành cổ Diên Khánh vẫn giữ được vị thế đặc biệt là di tích lịch sử nổi tiếng, thu hút khách check-in.
Cửa Tiền của thành cổ Diên Khánh, nằm trên trục đường phía Nam thị trấn Diên Khánh. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh, cho biết dự kiến trong tháng Chín năm nay sẽ khởi công trùng tu thành cổ Diên Khánh thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh.

Dự kiến, chủ đầu tư sẽ giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng dự án trong hai năm 2024-2025.

Theo quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, dự án này có 12 hạng mục được trùng tu, phục hồi, bảo tồn, trong đó, có các hạng mục trùng tu theo nguyên gốc như tuyến thành đất dài 2.500m, đỉnh thành rộng hơn 4m, lối đi lát gạch rộng 2,6m...

Những hạng mục xây mới là đường dài 2.000m, rộng 6m, chạy sát chân thành; cầu vòm bắc qua hào nước, các tiểu công viên, chỉnh trang cầu tại các cổng thành; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào và chống thấm thành hào, đáy hào; hệ thống đèn chiếu sáng, công trình vệ sinh...

Kinh phí thực hiện dự án là hơn 166 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, 70 tỷ đồng là chi phí xây dựng, hơn 67 tỷ đồng là tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng...

Cổng Tây thành cổ Diên Khánh. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Cùng với kinh thành Huế, thành cổ Diên Khánh là tòa thành cổ ở Việt Nam vẫn giữ được sự nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Thành Diên Khánh từng giữ vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Trung Bộ, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và ngày nay mang đến một vẻ đẹp độc đáo ít người biết đến.

Thành cổ Diên Khánh cũng là di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Khánh Hòa, biểu tượng văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống và lịch sử quý báu của vùng đất này. Công tác trùng tu tập trung khôi phục các phần bị hư hại, sử dụng vật liệu và phương pháp truyền thống để giữ nguyên bản sắc kiến trúc cổ xưa.

Hiện nay, thành cổ Diên Khánh vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ ban đầu, một địa điểm hấp dẫn các du khách đến Khánh Hòa.

Thành Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang 10km về phía Tây, bên phải Quốc lộ 1. Năm 1793, sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi được nghĩa quân Tây Sơn, thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa.

Thành có diện tích khoảng 36.000m2, là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17-thế kỷ 18 ở Tây Âu. Tường thành hình lục giác nhưng không đều nhau, có chu vi 2.693m đắp bằng đất, cao khoảng 3,5m.

Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia thành nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn đảm bảo quan sát được hai bên. Mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng, mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành.

Lầu tứ giác có mỗi cạnh 3,30m với 4 cửa rộng 1,30m cao 2,5m, trên cùng là cổ lầu có mái uốn cong lợp ngói âm dương; cổ lầu cao 4,1m so với nền; hai bên lầu tứ giác được xây lan can cao 0,85m được xây dựng trên các cổng thành của hệ thống thành cổ Diên Khánh. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Bên ngoài thành có hào nước sâu từ 3-5m, rộng từ 20-30m bao quanh. Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), hiện nay chỉ còn 4 cửa Đông-Tây-Tiền (phía Nam)-Hậu (phía Bắc). Đi từ hướng Quốc lộ 1 có một con đường độc đạo nối cửa Đông và cửa Tây của thành. Con đường chạy vòng bên ngoài thành nối Quốc lộ 1 và cửa Tây có tên là Mã Xá. Đối diện và cách cửa Tây khoảng 200m, là Nhà thờ Hà Dừa. Nhà thờ Hà Dừa được cho là do các nhà truyền đạo xây vào những năm 1800 và Gác chuông được xây thêm vào năm 1917 bởi người Pháp.

Các cổng của thành được xây bằng gạch nung và trát vôi vữa tạo thành hình khối dài khoảng 15m. Các cổng có vòm cuốn ở giữa, rộng 2,88m và cao 2,44m, có lối đi phía dưới. Mặt ngoài cổng xây thẳng đứng, mặt trong xây tường gạch cao 1,7m dài 5m. Đường đi trên bờ thành rộng 5,35m. Hai bên cổng xây bậc cấp rộng 3m để đi lên phía trên cổng thành.

Phía trên cổng thành có lầu tứ giác và bốn cửa ở bốn hướng, trên cùng là cổ lầu có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Cổ lầu cao 4,1m so với nền. Hai bên lầu tứ giác có lan can cao 0,85cm. Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất thoai thoải phía bên trong, thẳng đứng phía bên ngoài. Ngày nay các đoạn tường bằng đất không còn nối liền mạch như xưa. Tổng chiều dài tường thành bằng đất hiện nay dài khoảng 1.656m, cao 3m và bề mặt rộng 5m.

Năm 1988, thành cổ Diên Khánh được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục