Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong

Do kháng thuốc, kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả và việc điều trị nhiễm trùng khó khăn hoặc không thể, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu khai mạc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu khai mạc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức míttinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024-2025.

Cùng tham dự sự kiện có ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Giáo dục là nền tảng trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc

Phát biểu tại lễ míttinh, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, năm nay, WHO đưa ra chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay,” nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, giáo dục là nền tảng trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc. Bộ Y tế cam kết nâng cao nhận thức trên tất cả các lĩnh vực, nhân viên y tế, các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan và cộng đồng. Đối với nhân viên y tế, Bộ Y tế hướng đến việc tăng cường hiểu biết của họ về quản lý kháng sinh, thực hành kê đơn, và các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn thông qua các chương trình phát triển chuyên môn liên tục.

Đối với người dân, các chiến dịch nâng cao nhận thức giúp hiểu rõ nguy cơ của việc tự ý dùng thuốc, tầm quan trọng của việc hoàn thành liệu trình điều trị được kê đơn và vai trò của họ trong việc giảm thiểu kháng thuốc.

Đối với các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, Bộ Y tế tập trung vào các nền tảng chia sẻ kiến thức để đảm bảo mọi lĩnh vực đều hiểu được tác động kinh tế và xã hội của kháng thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, vận động là thiết yếu để đảm bảo kháng thuốc luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về y tế quốc gia và toàn cầu. Bộ Y tế đang thúc đẩy các kế hoạch hành động quốc gia mạnh mẽ tích hợp cách tiếp cận Một sức khỏe “One Health,” giải quyết các vấn đề về sức khỏe con người, động vật và môi trường. Bộ Y tế hợp tác với các tổ chức khu vực và quốc tế như WHO, FAO, OIE và các tổ chức khác để thúc đẩy sự đoàn kết toàn cầu và các phản ứng phối hợp...

“Bộ Y tế kêu gọi toàn bộ ngành y tế tại tất cả các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân hiện tại và sức khỏe của các thế hệ tương lai, bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới,” Thứ trưởng Trần Văn Thuấn kêu gọi.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi kháng thuốc

Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các thuốc kháng vi sinh vật. Do kháng thuốc, kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả và việc điều trị nhiễm trùng khó khăn hoặc không thể, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.

Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc đã trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.

ttxvn_viet_nam_huong_ung_tuan_le_the_gioi_nang_cao_nhan_thuc_ve_khang_thuoc_2211-2.jpeg.jpg
Đại biểu thực hiện nghi thức hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc.” (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tiến sỹ, bác sỹ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi tình trạng kháng thuốc hiện nay. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương những năm gần đây tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng. Điều này khiến việc điều trị của bác sỹ khó khăn hơn.

"Đặc biệt, trẻ em khác với người lớn. Những chức năng cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, vì vậy khi sử dụng các loại kháng sinh liều cao hơn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Việc nhiều cha mẹ vẫn có thói quen tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ không đúng chỉ định, không đúng liều làm tăng nguy cơ kháng thuốc; dẫn đến nhiều trẻ mắc bệnh thông thường đã kháng thuốc và bác sĩ buộc phải chỉ định phác đồ điều trị khác,” Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin.

Bác sỹ Tùng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức khi sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Sử dụng thuốc đúng liều, đúng chỉ định của bác sỹ.

Tiến sỹ, bác sỹ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025 đề ra mục tiêu: 50% số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và tại mỗi tỉnh, thành phố ít nhất 1 bệnh viện tham gia; nâng cao năng lực cho 3 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về kháng thuốc và triển khai giám sát kháng thuốc của các vi sinh vật trong cộng đồng vào năm 2025. Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc.

Bên cạnh đó, để giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm, Tiến sỹ Hà Anh Đức cho biết thêm, kế hoạch cũng đề ra mục tiêu tỷ lệ các bệnh viện thiết lập chỉ tiêu và triển khai kế hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong bệnh viện; đánh giá tuân thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn sinh học đạt ít nhất 40%.

Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện kỹ thuật vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc: Đạt ít nhất 40% các bệnh viện trực thuộc các Bộ, bệnh viện tỉnh, thành phố; đạt ít nhất 15% các bệnh viện quận, huyện.

Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện việc triển khai giám sát chủ động nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế và triển khai các can thiệp làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn này: Đạt ít nhất 50% các bệnh viện trực thuộc các bộ, bệnh viện tỉnh, thành phố, đạt ít nhất 20% các bệnh viện quận, huyện.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục