Khẳng định vị thế và hình ảnh của xiếc Việt Nam trên trường quốc tế

Việc xiếc Việt liên tiếp giành thứ hạng cao tại các cuộc thi quốc tế đã góp phần khẳng định vị thế và hình ảnh của xiếc Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Hai nghệ sỹ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng trình diễn tiết mục Đu son. (Nguồn: Liên đoàn Xiếc Việt Nam)

Việc xiếc Việt liên tiếp giành thứ hạng cao tại các cuộc thi quốc tế cho thấy, khả năng dàn dựng và biểu diễn của các nghệ sỹ nước ta đã ghi được dấu ấn trong lòng công chúng thế giới.

Điều này cũng mang đến kỳ vọng cho những người yêu nghệ thuật xiếc về một tương lai đưa xiếc Việt tỏa sáng trên trường quốc tế.

Xiếc Việt tỏa sáng

Chỉ trong vòng 3 tuần, các nghệ sỹ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam liên tiếp giành hai giải thưởng quốc tế: Tiết mục “Đu son” được trao giải Vàng tại Liên hoan quốc tế “Công chúa xiếc” và tiết mục “Đế kiếm đu dây lụa” được trao giải Ngựa đồng tại Liên hoan Xiếc quốc tế “Không biên giới” đều diễn ra tại Liên bang Nga.

Đạo diễn cả hai tiết mục này là Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Anh cho biết “Đu son” do hai nghệ sỹ Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy biểu diễn, giành giải Vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế “Công chúa xiếc,” diễn ra tại thành phố Saratov từ ngày 22-26/10. Liên hoan có 9 quốc gia tham gia với nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn.

“Đu son” được bạn bè quốc tế đánh giá cao bởi nhiều động tác khó, kỹ thuật điêu luyện, đòi hỏi diễn viên phải biến hóa liên tục. Ở các màn đu bay, hai nghệ sỹ trình diễn phối hợp với âm nhạc, trang phục truyền thống, mang đến thông điệp về giá trị văn hóa Việt, tạo được ấn tượng đậm nét.

[Thể hiện giá trị văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên trên sân khấu xiếc]

Ngay sau khi liên hoan kết thúc, “Đu son” được mời sang Tây Ban Nha lưu diễn trong khoảng 2 tháng.

“Đế kiếm đu dây lụa” là tiết mục do nghệ sỹ trẻ Khánh Huyền biểu diễn được lựa chọn để tham dự Liên hoan xiếc “Không biên giới,” diễn ra từ ngày 3-6/11 tại thành phố Sankt Peterburg do Bộ Văn hóa, Cục Xiếc Quốc gia Cộng hòa Liên bang Nga tổ chức, quy tụ những nghệ sỹ xiếc tài năng đến từ 15 quốc gia. Đây là lần đầu tiên Khánh Huyền tham dự một sự kiện xiếc quốc tế lớn và đẳng cấp.

Dù rất áp lực nhưng với tài năng xuất sắc, vượt trội, cô đã chinh phục gần 2.000 khán giả có mặt tại buổi trình diễn. Ngay khi tiết mục “Đế kiếm đu dây lụa” kết thúc, hầu hết khán giả, Ban Giám khảo đều đứng lên vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt cho nghệ sỹ Khánh Huyền.

Ban Tổ chức đã trao giải Ngựa đồng cho nghệ sỹ Khánh Huyền, đồng thời, cô vinh dự nhận được giải "Vinh danh," được mời tham dự Liên hoan xiếc quốc tế “Girona” tại Tây Ban Nha vào đầu năm 2024 - một ngày hội xiếc tầm cỡ của châu Âu.

Trước đó, tháng 12/2021, anh em nghệ sỹ xiếc Giang Quốc Cơ-Giang Quốc Nghiệp đã xác lập kỷ lục Guinness quốc tế với màn chồng đầu leo 100 bậc thang tại Nhà thờ Chánh tòa ở Tây Ban Nha trong 53 giây, phá vỡ kỷ lục của chính mình đã xác lập năm 2016, leo 90 bậc thang trong 52 giây.

Tên của Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp cùng nghệ thuật xiếc Việt Nam đã được ghi nhận trong sách Kỷ lục Guinness thế giới.

Vào năm 2018, màn biểu diễn “Sức mạnh đôi tay” của hai anh em Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp tại cuộc thi tìm kiếm tài năng của Anh (Britain's Got Talent 2018) đã chinh phục ban giám khảo, thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem trên toàn thế giới. Người dân Việt Nam vừa thán phục, vừa tự hào về hai chàng trai tuyệt vời này.

Không chỉ hai anh em họ Giang hay các nghệ sỹ Phạm Thị Hướng, Trương Hồng Thúy, Khánh Huyền của Liên đoàn Xiếc Việt Nam mới đây, mà trong khoảng chục năm trở lại đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã đạt nhiều thành tích ấn tượng nhiều tiết mục xiếc đã đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi trên thế giới.

Năm 2017, Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba Circuba tại Thủ đô La Habana, đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” do Ngọc Ánh và Thu Thùy (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) biểu diễn đã xuất sắc đoạt “Mái bạt vàng” - giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Sau liên hoan, hai nghệ sỹ được một số nước bạn mời sang biểu diễn, trong đó, một tập đoàn giải trí ở Vương quốc Anh mời "Cánh chim Việt" cùng một số tiết mục đặc sắc sang biểu diễn trong vòng 6 tháng. Một tập đoàn giải trí khác của Mexico đề nghị gửi học sinh tới trường để đào tạo...

Cũng trong năm 2017, Liên hoan Xiếc quốc tế Golden Circus - một Liên hoan danh tiếng của châu Âu diễn ra tại Thủ đô Roma (Italy), Ban Tổ chức đã trao Huy chương Bạc duy nhất cho tiết mục “Tạo hình trên dây da” của hai nghệ sỹ trẻ Văn Thái và Thu Hường (Liên đoàn Xiếc Việt Nam).

Trước đó, cũng tại Liên hoan này năm 2014, tiết mục xiếc "Đu quan họ" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được trao Huy chương Vàng duy nhất của Liên hoan.

Đãi ngộ xứng đáng để vươn ra biển lớn

Theo các chuyên gia trong ngành, mỗi năm thế giới diễn ra khoảng 4-5 cuộc thi xiếc lớn với sự tham dự của 18-20 quốc gia. Các nước dự thi phải gửi tiết mục dưới dạng video để Ban giám khảo lựa chọn.

Tiết mục Vòng xoay đam mê của đoàn Việt Nam tham gia Lễ hội xiếc quốc tế Bravo, tại Mông Cổ từ ngày 21-30/10. (Ảnh: Vietnam+)

Việc xiếc Việt liên tiếp giành thứ hạng cao tại các cuộc thi quốc tế cho thấy, khả năng dàn dựng và biểu diễn của xiếc Việt Nam đã ghi được dấu ấn trong lòng công chúng thế giới, được giới chuyên môn đánh giá là là đất nước có “tiềm năng” về nghệ thuật xiếc.

Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng cho biết ông Sergey Belyakow, Giám đốc Cục Xiếc quốc gia Nga, Trưởng Ban Tổ chức các cuộc liên hoan xiếc quốc tế tại Nga đã đánh giá rất cao nghệ thuật xiếc Việt và tiếp tục có lời mời Việt Nam sang tham dự Liên hoan xiếc những năm tiếp theo.

Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ việc Liên đoàn Xiếc Việt Nam liên tiếp giành giải thưởng cao tại các liên hoan quốc tế đã đưa nghệ thuật xiếc Việt Nam lên một tầm mới trong con mắt các nhà chuyên môn cũng như Ban giám khảo quốc tế.

Đây là điều đáng tự hào bởi sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các diễn viên, nghệ sỹ đã vượt qua khó khăn vẫn duy trì tập luyện và đạt được kết quả cao. Đây cũng là phần thưởng lớn dâng lên Tổ nghề nhân dịp 100 năm kỷ niệm Ngày Xiếc Việt Nam do cố Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển sáng lập (5/12/1922-5/12/2022).

Bên cạnh đó, việc Ban Tổ chức các cuộc liên hoan xiếc quốc tế tại Nga tiếp tục có lời mời Việt Nam cử các tiết mục khác sang tham dự trong những năm tiếp theo; lời mời đi biểu diễn ở nước ngoài đã cho thấy các đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao chất lượng nghệ thuật xiếc Việt Nam.

Đây cũng là động lực để thúc đẩy các nghệ sỹ trẻ có thêm lòng đam mê, tiếp tục phấn đấu rèn luyện để có cơ hội chinh phục các giải thưởng quốc tế, khẳng định vị thế và hình ảnh của xiếc Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành quản lý nhà nước cũng có cơ sở để tiếp tục quan tâm và đầu tư hơn nữa cho nghệ thuật xiếc.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh, trong các cuộc thi quốc tế, Ban Giám khảo thường chú trọng tính truyền thống, văn hóa, lan tỏa tinh thần giao lưu hữu nghị giữa các quốc gia. Sự khác biệt trong sáng tạo đạo cụ, nội dung biểu diễn đậm bản sắc dân tộc sẽ được Hội đồng giám khảo đánh giá cao. Đây là một trong những bí quyết thành công của các tiết mục xiếc Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế.

Nhiều năm qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn nỗ lực đổi mới, nội dung hấp dẫn, dàn dựng công phu, rất nhiều đoàn xiếc quốc tế đã biết đến thương hiệu Xiếc Việt Nam và ngỏ ý muốn hợp tác. Mấy năm gần đây, Việt Nam đã đưa nhiều đoàn đi biểu diễn khắp châu Âu, có những tiết mục được mời lưu diễn 2 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh rất trăn trở bởi xiếc là một loại hình nghệ thuật chuyên biệt, đặc thù. Tuổi nghề của diễn viên rất ngắn do hoạt động với cường độ cao, nguy hiểm, mức độ rủi ro cao, các nghệ sỹ luôn cần có phong độ và thể chất tốt nhất.

Do đó, để đảm bảo và duy trì sự cống hiến của các nghệ sỹ, cần có chế độ đãi ngộ đặc thù về lương, bồi dưỡng, bảo hiểm và sự đầu tư mang tính chiến lược bền vững thông qua các đề án xây dựng trung tâm phát triển nghệ thuật xiếc đỉnh cao đã được Liên đoàn Xiếc Việt Nam nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể để trình lên cấp trên.

Hơn nữa, yêu cầu tuyển chọn, đào tạo nghệ sỹ xiếc rất ngặt nghèo, trong khi đãi ngộ chưa tương xứng, đủ cho nhiều diễn viên xiếc sống được bằng nghề. Vì vậy, việc tìm kiếm đầu nguồn lực để đào tạo ra nhân tài xiếc là rất khó khăn. Nếu có được đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ sỹ, sẽ thu hút được nhiều nguồn lực trong tuyển sinh để đào tạo các tài năng xiếc trong tương lai.

Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh cho rằng để xiếc Việt tiếp tục nâng tầm, vươn ra thế giới, rất cần có sự quan tâm đầu tư cho nghệ sỹ trẻ, đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo khi các em đang ở giai đoạn phát triển, tỏa sáng nhất của nghề, đó sẽ là động lực để các nghệ sỹ tiếp tục cố gắng và cống hiến.

Nếu có sự đầu tư tập trung, bài bản mang tính chiến lược về con người, thể chất cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào nghệ thuật xiếc, nỗ lực của các nghệ sỹ, thì xiếc Việt sẽ tiếp tục tỏa sáng, hội nhập ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới thì giấc mơ nâng tầm xiếc Việt ra thế giới không còn quá xa vời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục