Khẳng định vai trò của nghị viện trong ứng phó với thách thức chung

Thông qua gặp gỡ cấp cao nghị viện này, các nhà lập pháp toàn thế giới đã góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm (WCSP5) bế mạc chiều 8/9 tại Vienna (Áo), là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các cơ quan lập pháp trên thế giới sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, với sự tham gia tổ chức của Quốc hội Cộng hòa Áo, WCSP5 đánh dấu lần đầu tiên quốc hội một nước phối hợp cùng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và Liên hợp quốc đồng chủ trì hội nghị này.

Do tác động của đại dịch COVID-19, WCSP lần thứ năm được tổ chức thành hai phần: Hội nghị trực tuyến diễn ra hồi tháng 8/2020 và hội nghị trực tiếp tại Áo diễn ra ngày 7-8/9/2021.

Là cuộc họp liên nghị viện quy mô lớn đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát với tham dự của hơn 110 đoàn các nước là thành viên và quan sát viên của IPU, sự kiện đánh dấu bước phát triển của ngoại giao nghị viện đa phương, trong đó IPU giữ vai trò tiên phong, cũng như sự đồng lòng của các quốc hội/nghị viện trên thế giới trong thúc đẩy hành động, thể hiện vai trò dẫn dắt của nghị viện trong bối cảnh thế giới đối mặt với thách thức của đại dịch COVID-19.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế hoạt động mới, đặc biệt của IPU, được tổ chức 5 năm một lần kể từ năm 2000.

Thông qua gặp gỡ cấp cao nghị viện này, các nhà lập pháp toàn thế giới đã góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu. Kể từ hội nghị đầu tiên vào tháng 8/2000 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), các nước thành viên IPU đã khẳng định ủng hộ các nỗ lực của nghị viện/quốc hội các nước nhằm đối phó với những thách thức lớn mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt trong thiên niên kỷ mới.

Từ đó đến nay, các hội nghị đã lần lượt thảo luận về các chủ đề nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh, phát triển kinh tế xã hội, luật pháp quốc tế, dân chủ và bình đẳng giới.

[Chủ tịch Quốc hội phát biểu về ứng phó COVID-19 và biến đổi khí hậu]

Tiếp nối chủ đề “Sự lãnh đạo của nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới” và dựa trên những kết quả của chương trình hội nghị trực tuyến năm 2020, hội nghị tại Vienna tập trung thảo luận về các vấn đề nóng, cần được ưu tiên giải quyết như: ứng phó toàn cầu với đại dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, chống lại thông tin sai lệch, sự tham gia của giới trẻ vào chính trị và bình đẳng giới.

Thông qua các phiên họp toàn thể, các phiên thảo luận chuyên đề, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn và trình bày các báo cáo quan trọng, Hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của nghị viện/quốc hội các nước trong thúc đẩy cơ chế đa phương hiệu quả hơn, vì hòa bình và phát triển ổn định của thế giới và nhân loại.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới phải vật lộn với đại dịch COVID-19 suốt gần 2 năm qua, bất ổn chính trị tại các nước như Afghanistan, Guinea... đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động của các nghị viện/quốc hội trên thế giới, các nội dung thảo luận tại hội nghị đều tập trung khẳng định trách nhiệm của quốc hội/nghị viện các nước trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, cụ thể là trong nỗ lực chung tay đưa thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra hiện nay, để quốc hội/nghị viện tiếp tục đóng vai trò tiên phong dẫn tới thịnh vượng trong một xã hội bao trùm.

Khẳng định vai trò của nghị viện trong ứng phó với thách thức chung ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Duarte Pacheco. (Ảnh: TTXVN)

Trong phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch IPU Duerte Pacheco nhấn mạnh thế giới đang phải sống chung với dịch bệnh, và virus SARS-CoV-2 đã cho thế giới hiểu chúng ta không thể chiến thắng một con virus dù rất nhỏ nếu không cùng nhau giải quyết, không chỉ đại dịch lần này mà cả trong các vấn đề toàn cầu.

Đánh giá việc các nước tham dự hội nghị thể hiện thái độ sẵn sàng hợp tác và kiên cường trước khó khăn, tuy nhiên, ông Pacheco cũng mong muốn các lãnh đạo quốc hội, với quyền hạn và tầm ảnh hưởng của mình, có thể góp phần làm nên những thay đổi.

Ông nói: “Chúng ta không chỉ nói những lời tốt đẹp, không chỉ gặp nhau cho vui mà chúng ta gặp nhau để hành động” và “Nếu quyết tâm chúng ta có thể chiến thắng.”

Tại các cuộc thảo luận, các chủ tịch quốc hội đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề cùng quan tâm và cấp thiết trong một thế giới đang đổi thay, tập trung vào việc ứng phó với đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống... thể hiện vai trò, trách nhiệm của nghị viện trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong cả 5 lần hội nghị được tổ chức vào các năm 2000, 2005, 2010, 2015 và phiên họp trực tuyến năm 2020, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, đã tham gia đóng góp tích cực. Trong sự kiện tại Vienna, đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tham gia các phiên thảo luận toàn thể và thảo luận chuyên đề về những nội dung quan trọng bao gồm phát triển bền vững, tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương trong hợp tác chống dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, cùng chia sẻ quan điểm những thách thức hiện nay chỉ được giải quyết thông qua sự hợp tác đa phương, chung tay của các quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định cơ quan lập pháp các nước cần thể hiện vai trò dẫn dắt và đồng hành với các chính phủ, thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối gia tăng nguồn lực, phát huy sự nỗ lực, sức sáng tạo của mỗi người dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, gìn giữ môi trường hòa bình, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Trong khuôn khổ hội nghị lần này, đoàn Việt Nam cũng nêu những đề xuất nhằm nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và vai trò của IPU.

Đó là tăng cường quan hệ đối tác 3 bên Liên hợp quốc-IPU-Việt Nam; thúc đẩy sự tham gia thực chất hơn nữa tại các cơ chế họp nghị viện song song với các hoạt động của Liên hợp quốc. Chủ tịch IPU Duarta Pacheco và Tổng thư ký IPU Martin Chungong đều hoan nghênh những đề xuất này, đồng thời khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của IPU, sự phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký IPU và các nghị viện thành viên.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, với trọng trách là những người đại diện cho nhân dân và là đối tác của Liên hợp quốc để “chuyển những tiếng nói của người dân trong nước, quốc tế và ngược lại," các nghị sỹ, các nghị viện/quốc hội có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã dẫn tới những cuộc khủng hoảng chưa từng có về y tế, kinh tế, giáo dục của cả một thế hệ.

Trước khi đại dịch xảy ra, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu, môi trường, sự bất bình đẳng, y tế công cộng không đầy đủ... Đại dịch này làm lộ rõ thêm những "lỗ hổng" và "mảng tối" trong xã hội.

Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần biến quá trình phục hồi trở thành cơ hội để chỉnh sửa những sai lầm trước đây, để giúp xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, trong đó, vai trò dẫn dắt của nghị viện/quốc hội cần được khẳng định.

Thông qua những hành động mạnh mẽ và cụ thể, trong đó có việc đưa ra luật pháp quốc gia phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các nghị viện/quốc hội đang thể hiện trọng trách và vai trò dẫn dắt của mình trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế để ứng phó với các thách thức toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục