Chủ tịch Đại Hội đồng khóa 75, ông Volkan Bozkir, ngày 22/9 đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới hãy tái ủng hộ chủ nghĩa đa phương, củng cố lại các cơ quan của Liên hợp quốc trong bối cảnh đối mặt với thách thức chưa từng có là đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu tại lễ khai mạc phiên thảo luận chung Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 ngày 22/9, ông Bozkir khẳng định thế giới hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức to lớn nếu các nước thành viên Liên hợp quốc sát cánh nỗ lực cùng nhau vượt khó.
Người đứng đầu Đại Hội đồng Liên hợp quốc Bozkir cũng khẳng định vai trò không thể thiếu được của Liên hợp quốc suốt những năm qua và cả trong tương lai vì một thế giới được phục hồi sau đại dịch, phát triển bền vững, và bao trùm.
Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Bozkir đã đề ra 3 vấn đề ưu tiên của Liên hợp quốc trong thời gian tới gồm: Củng cố chủ nghĩa đa phương; thúc đẩy các chương trình nhân đạo và tăng cường nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như đã đề ra trong chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
[Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cao vai trò của Liên hợp quốc]
Tại phiên thảo luận chung với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, Liên hợp quốc chúng ta cần: tái khẳng định cam kết chung với chủ nghĩa đa phương-ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng hành động đa phương hiệu quả,” đại diện hơn 190 nước thành viên Liên hợp quốc đã cùng nhìn nhận những tác động của đại dịch COVID-19 khiến thế giới đối mặt với nền kinh tế lao dốc, hệ thống y tế quá tải và hệ thống giáo dục bị gián đoạn; những người yếm thế lại chính là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất; nhiều người phải bỏ lại nhà cửa di cư, tị nạn để tránh các cuộc xung đột đẫm máu; nhiều phụ nữ, trẻ em phải hứng chịu bạo lực do gia tăng xung đột sắc tộc, tôn giáo.
Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Bozkir nhấn mạnh rằng trong thời gian tới Liên hợp quốc sẽ cần phải phát huy hơn nữa sự hợp tác, tính hiệu quả và khả năng hỗ trợ của tổ chức này đối với các nước trên thế giới dựa trên 3 trụ cột An ninh, Nhân quyền và Phát triển.
Sau 75 năm phát triển, hiện lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có 95.000 quân đóng tại 13 phái bộ tại các điểm nóng chiến sự trên toàn cầu, điều phối cứu trợ nhân đạo cho hàng triệu người, đặc biệt là trẻ em cũng như bảo vệ quyền con người cho người dân ở khắp nơi trên thế giới./.