Khẳng định vai trò của điều dưỡng, hộ sinh trong đại dịch

Trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian vừa qua, các điều dưỡng, hộ sinh đã có những đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sỹ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi bệnh dịch.
Nghi thức rước đèn để tưởng nhớ công lao của bà Florence Nightingale trong công tác điều dưỡng và vệ sinh bệnh viện. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 12/5, tại Bộ Y tế đã diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, đúng dịp kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của bà Florence Nightingale - Người sáng lập ra ngành điều dưỡng hiện đại; đồng thời khẳng định vai trò của điều dưỡng, hộ sinh trong chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đã thống nhất và phối hợp với Hội đồng Điều dưỡng thế giới chỉ định năm 2020 là Năm quốc tế Điều dưỡng và hộ sinh để tôn vinh những đóng góp quan trọng của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh trong cung cấp các dịch vụ y tế.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, chất lượng chăm sóc người bệnh thời gian đã có những chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng.

Các dịch vụ do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng toàn diện chăm sóc sức khỏe người dân.

Đặc biệt, trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian vừa qua, các điều dưỡng, hộ sinh đã có những đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sỹ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi bệnh dịch.

Nhiều điều dưỡng, hộ sinh đã cùng với các bác sỹ và nhân viên y tế tuyến đầu không có ngày nghỉ, họ phải xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục, miệt mài tham gia phòng chống dịch bệnh. 

Những người điều dưỡng luôn có mặt ở tất cả mọi mặt trận, mọi tuyến từ tham gia điều tra xác định người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng đến tiếp nhận, khám sàng lọc, chăm sóc người bệnh tại khu cách ly trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như sàng lọc, quản lý người nghi ngờ nhiễm, người có thể nhiễm bệnh tại các địa điểm cách ly tập trung. 

“Thời điểm hiện tại, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Những người điều dưỡng, hộ sinh đã có những đóng góp rất lớn trong thành công này,” Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định.

[Nữ điều dưỡng cúi đầu bái vọng chịu tang cha]

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, tháng 5 hằng năm cũng là tháng hành động về vệ sinh tay toàn cầu vì vậy mỗi điều dưỡng, hộ sinh cần tiếp tục quán triệt thực hiện chăm sóc sạch là chăm sóc an toàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường trên toàn cầu.

Người điều dưỡng và hộ sinh là những người tiếp sức đầu tiên và cũng là người tiếp sức cuối cùng trong chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục, Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng, hộ sinh;  tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh vẫn còn thấp, khoảng 11 điều dưỡng/1 vạn dân, nếu so với Thái Lan, số lượng điều dưỡng của nước ta phải tăng gấp 2 lần nữa, nếu so với Malaysia thì phải thêm gấp 3 lần số điều dưỡng, hộ sinh hiện nay.

Với số lượng điều dưỡng viên ít như vậy, Việt Nam chưa thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện, đồng nghĩa với người bệnh vào viện phải đưa thêm người nhà hoặc thuê người chăm sóc trong các bệnh viện...

Điều dưỡng Doãn Thị Nguyệt, Trưởng phòng điều dưỡng bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam đề nghị cần nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, cần có sự tham gia của điều dưỡng, hộ sinh vào vị trí quản lý và hoạch định chính sách y tế, sớm khắc phục tình trạng điều dưỡng hệ trung cấp hành nghề trên năng lực, phấn đấu đến 2025, điều dưỡng viên đạt trình độ cao đẳng theo khuyến cáo của WHO.

Hiện nay, 50% điều dưỡng ở nước ta mới có thời gian đào tạo nghề 2 năm, chưa đạt chuẩn ASEAN mà Việt Nam đã tham gia ký kết...

Tại buổi lễ, ông Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ khuyến nghị, Việt Nam nên đầu tư vào giáo dục và trao quyền cho điều dưỡng viên, hộ sinh. Tổ chức này cũng cam kết luôn song hành cùng Việt Nam để hỗ trợ đào tạo nhân lực điều dưỡng, hộ sinh tại Việt Nam.

Chị Doãn Thị Nguyệt, Điều dưỡng trưởng bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - người tham gia trực tiếp cùng các bác sỹ tuyến đầu từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, đến ngày 30/4 vừa qua mới được về thăm gia đình chia sẻ chúng tôi cùng các điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của bệnh viện đã tạm gác lại cuộc sống thường nhật, xa gia đình, người thân yêu để làm nhiệm vụ "chống giặc COVID-19” ở nơi tuyến đầu.

Các y, bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên thường trực 24/24 tại bệnh viện, tận tụy với công việc chăm sóc phục vụ người bệnh và phòng, chống dịch. Có những cặp vợ chồng là điều dưỡng bệnh viện nhưng vẫn không được gặp nhau, không được gặp con... 

Sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, nhân viên toàn Bệnh viện đã giúp Bệnh Nhiệt đới Trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bệnh viện đã điều trị khỏi 139 ca mắc COVID-19, gần 2.000 ca nghi nhiễm đều đã được ra viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục