Khẳng định bản sắc, vị thế của Việt Nam qua 10 sự kiện tiêu biểu

Những sự kiện này cho thấy nỗ lực hội nhập, quảng bá các giá trị văn hóa, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam là điểm đến thú vị với khách quốc tế. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tối 9/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2019.

Những sự kiện này cho thấy nỗ lực hội nhập, quảng bá các thành tựu, giá trị văn hóa Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam trên đấu trường thể thao khu vực.

Bên cạnh đó, top sự kiện cũng một lần nữa khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, thu hút lượng lớn khách du lịch.

Lĩnh vực văn hóa:

1- Luật Thư viện - Động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc

Ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện với 91,51% đại biểu tán thành. Luật gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý Nhà nước về thư viện.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Với việc mở rộng đối tượng điều chỉnh, Luật cho phép tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước và tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nước ngoài thành lập, cung cấp dịch vụ thư viện; quy định về hiện đại hóa, tăng cường tính chuyên nghiệp, liên thông giữa các thư viện.

Luật Thư viện được ban hành tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển...

2- Sự trở lại của “Hồ thiên nga” mang dấu ấn nghệ sỹ Việt sau 35 năm

Sau 35 năm vắng bóng trên sàn diễn, vở ballet “Hồ thiên nga” nổi tiếng thế giới trở lại với khán giả Việt với toàn bộ êkíp sáng tạo và sản xuất đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Vở ballet kinh điển của thế giới “Hồ thiên nga” trở lại với những sáng tạo riêng của nghệ sỹ Việt. (Ảnh: VNOB)

Với sự nỗ lực trong suốt sáu tháng liên tục của tập thể nghệ sỹ, “Hồ thiên nga” đã tạo nên một cơn “địa chấn” về nghệ thuật hàn lâm khi bảy đêm diễn đều “cháy vé” từ trước ngày công diễn.

3- Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Vào ngày 13/12/ 2019 (theo giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Múa Chầu trong diễn xướng Then của người Tày ở huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Vietnam+)

Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 13 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Sự kiện này khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, cộng đồng và dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái theo đúng tôn chỉ của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

4- Tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương

Sân khấu cải lương đã trải qua 100 năm hình thành và phát triển, chinh phục được đông đảo công chúng cả trong nước và nước ngoài nhờ sự đặc sắc và ần tượng của loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc của người dân Nam Bộ.

[Sân khấu cải lương: Gian nan tìm chỗ đứng trong lòng khán giả]

Tối 13/1/2019, chương trình giao lưu, tôn vinh và biểu diễn kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, cải lương đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển, cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành và sự chung tay của toàn xã hội để đưa cải lương đến gần hơn với công chúng.

Lĩnh vực thể thao:

1- Đoàn Thể thao Việt Nam với thành tích đặc biệt xuất sắc xếp hạng 2 toàn đoàn trên 11 quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30)

Tại SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra là có mặt trong top 3 toàn đoàn.

[Thủ tướng: Thể thao Việt Nam mang lại niềm tự hào cho đất nước]

Đây là kỳ SEA Games thành công nhất trên sân khách khi Việt Nam vượt qua Thái Lan để có mặt ở vị trí thứ 2/11 quốc gia tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 30. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đặc biệt, cả hai đội tuyển bóng đá nam, bóng đá nữ đều giành huy chương vàng, các môn khác (điền kinh, bơi…) tiếp tục khẳng định vị thế.

2- Thành tích ấn tượng của môn bóng đá trên đấu trường khu vực

Đội tuyển bóng đá nam U22 đã giành huy chương vàng SEA Games sau 60 năm chờ đợi, làm nức lòng người hâm mộ và nhân dân cả nước.

Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành huy chương vàng SEA Games lần thứ sáu, lên ngôi quán quân Giải vô địch Đông Nam Á lần thứ ba.

Ngoài ra, đội U23 lần thứ hai lọt vào tứ kết Asian Cup…

3- Việt Nam chính thức là nước thứ 22 trên thế giới đăng cai Giải đua xe công thức 1 (F1)

Với sự kiện này, Việt Nam chính thức có mặt trên bản đồ của môn thể thao hấp dẫn và thu hút lượng lớn người hâm mộ trên thế giới.

Đây cũng là cơ hội để Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung quảng bá hình ảnh, thu hút du lịch. Việc đăng cai giải đua sẽ mở ra những cơ hội trong kinh doanh, phát triển du lịch, các ngành nghề mới; tạo ra sân chơi mới, cơ hội trải nghiệm mới cho người dân, du khách…

Lĩnh vực du lịch:

1- Du lịch Việt Nam đạt kỷ lục đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019

Năm 2019, du lịch Việt Nam lần đầu tiên đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6% so với năm 2018. Tổng thu từ du lịch ước đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm trước đó.

Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, du lịch Việt Nam liên tiếp nhiều năm được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp trong top 10 điểm đến có tốc độ tăng trưởng khách nhanh nhất thế giới.

2- Điểm đến du lịch Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng tầm thế giới và châu lục

Năm 2019, du lịch Việt Nam được vinh danh ở sáu hạng mục giải thưởng do Tổ chức Du lịch Thế giới và Giải thưởng Golf Thế giới trao tặng, bao gồm : Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2019, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019, Điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á (hai năm 2018, 2019), Điểm đến hàng đầu châu Á về ẩm thực 2019, Hội An-Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019.

Ngoài ra, các hãng lữ hành, chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng… giành nhiều giải thưởng danh giá.

3- Việt Nam chủ trì thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019

Kể từ năm 2009, đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai và chủ trì thành công diễn đàn này. ATF diễn ra từ ngày 14-18/1/2019 tại Hạ Long (Quảng Ninh) thu hút hơn 2.000 đại biểu tham dự.

Diễn đàn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế về một Việt Nam hấp dẫn, thân thiện và hiếu khách.

Cùng đó, việc tổ chức thành công các sự kiện lớn như Hội nghị thưởng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019… đã khẳng định vị thế, vai trò và năng lực tổ chức các sự kiện quy mô của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục