Có thể khẳng định những cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, văn hóa đã góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với cuộc chiến trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao... để giành độc lập cho dân tộc. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển giáo dục song hành cùng cuộc chiến đã giúp đất nước ta chuẩn bị được lực lượng nhân sự vừa có trình độ cao, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có gần 3.000 nhà giáo từ miền Bắc mang bút nghiên, sách vở lên đường đi B để chi viện cho mặt trận giáo dục miền Nam. Đây đều là đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi, được lựa chọn không chỉ về chuyên môn mà cả ý chí chiến đấu.
Có lẽ không có nơi nào, cuộc chiến nào kéo dài mà vẫn song hành phát triển được giáo dục như ở Việt Nam. Nơi nào giải phóng, kể cả ở các “vùng lõm” giải phóng bé nhỏ, hay các vùng còn tranh chấp, ở đâu có dân, ở đó có lớp học dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó là điều đặc biệt của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.
Trải qua 75 mùa Xuân kể từ khi đất nước được hòa bình, đặc biệt là trong những năm chiến tranh chống Mỹ, những giá trị thực tiễn của sự nghiệp “trồng người” của một thời bom đạn vẫn còn nguyên ý nghĩa…
Hãy cùng VietnamPlus dõi theo những ngày tháng đau thương nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc, những “bước chân” của các thầy giáo, cô giáo không biết mỏi mệt và không màng hiểm nguy để mang ánh sáng cách mạng tới từng bản làng, ngõ xóm.
Bài 1: “Mặt trận” Giáo dục-Đặc thù riêng có của Việt Nam
Thầy Văn gói gém sách vở, đồ dùng cá nhân, vài bộ quần áo trong chiếc ba lô, ôm hôn từ biệt hai đứa con thơ, đứa lớn ba tuổi, đứa nhỏ mới tròn 8 tháng, an ủi, động viên người vợ trẻ, rồi lên đường. Đó là ngày 5/3, mùa Xuân năm 1969…
Cùng hơn 200 đồng nghiệp, thầy Nguyễn Trọng Văn, lên đường đi B với nhiệm vụ riêng của những nhà giáo: Xây dựng và phát triển giáo dục trong vùng chiến.
“Có lẽ không có nơi nào, cuộc chiến nào kéo dài mà vẫn song hành phát triển được giáo dục như ở Việt Nam. Nơi nào giải phóng, kể cả ở các ‘vùng lõm’ giải phóng bé nhỏ, hay các vùng còn tranh chấp, ở đâu có dân, ở đó có lớp học dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó là điều đặc biệt của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam,” thầy Đỗ Trọng Văn, nay đã 80 tuổi, xúc động nói khi nhớ lại những năm tháng thanh xuân trên mặt trận riêng của ngành giáo dục trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiến lược “3 vùng”
Ngay khi cuộc chiến tranh vẫn còn đang diễn ra ác liệt, để đập tan chính sách “ngu dân” của Mỹ-Ngụy đồng thời phát triển tri thức cho lực lượng cách mạng, Đảng và Bác Hồ đã rất quan tâm đến việc xây dựng nền giáo dục mới ở miền Nam. Với quan điểm chiến tranh toàn diện, Đảng chủ trương giáo dục phải được xây dựng và đấu tranh trên cả ba vùng: Vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng bị tạm chiếm.
Sau phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960, các vùng giải phóng tuy ở thế cài da báo với địch, nhưng cũng ngày càng mở rộng hơn. Giải phóng đến đâu, giáo dục phát triển tới đó, kể cả các vùng lõm giải phóng, dù chỉ là một thôn, xóm. Để có sự chỉ đạo phát triển giáo dục thống nhất giữa các địa phương và toàn khu, tháng 10/1962, Tiểu ban Giáo dục miền Nam, thường được gọi là Tiểu ban Giáo dục R, đã được thành lập, trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Tiểu ban có nhiệm vụ trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cách mạng trong suốt thời kỳ chiến tranh, góp phần thắng lợi chung của dân tộc.
Thông tư 44/TT ngày 13/2/1963 của Trung ương Cục xác định rõ nhiệm vụ của công tác giáo dục miền Nam Việt Nam là “dựa vào lực lượng nhân dân, cán bộ giáo dục và các nhà giáo yêu nước, kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động, ngoại lai, đồi trụy của Mỹ-Ngụy; tích cực xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm bồi dưỡng chính trị, văn hóa cho nhân dân lao động, trước nhất là cán bộ và chiến sỹ, đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn, có kiến thức, đạo đức và sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và kiến thiết xã hội sau này.”
[PTT yêu cầu giải quyết phản ánh về khen thưởng thành tích kháng chiến]
Theo đó, giáo dục miền Nam phải thực hiện hai nhiệm vụ: Đấu tranh với địch trên mặt trận văn hóa giáo dục và xây dựng lực lượng giáo dục cách mạng. Để thực hiện hai nhiệm vụ này, Tiểu ban Giáo dục R đã vạch ra hai chương trình giáo dục và Phổ thông và Bình dân học vụ cho hai nhóm đối tượng là trẻ em và người lớn. Tiểu ban Giáo dục R có vai trò và cơ cấu như một bộ giáo dục thu nhỏ phụ trách miền Nam với Văn phòng, Phòng Phổ thông, Phòng Bình dân, Phòng Đô thị (phụ trách giáo dục khu vực đô thị), Phòng Tuyên truyền, Phòng In ấn và phát hành... Tiểu ban giáo dục của các khu, tỉnh, huyện, xã cũng lần lượt được ra đời để chỉ đạo phong trào giáo dục khắp cả miền Nam.
Nơi nào có dân, nơi đó có giáo dục
Trong điều kiện chiến tranh, việc triển khai các hoạt động giáo dục cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức khi thiếu từ đội ngũ giáo viên đến tài liệu giảng dạy, thiếu cả học sinh, địch thì liên tục bắn phá, bắt bớ. Từ những con số 0 tròn trĩnh: không trường, không học sinh, không giáo trình, các nhà giáo cách mạng đã có rất nhiều sáng tạo để dựng trường, mở lớp.
Hệ thống giáo dục miền Nam vẫn phát triển mạnh mẽ và được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương Cục đến từng xã với phương châm “nơi nào có dân, nơi đó có giáo dục.” Hai nhiệm vụ xây dựng trường lớp, lực lượng giáo dục, phát triển tri thức cho nhân dân và đấu tranh văn hóa với địch đều được triển khai quyết liệt trên cả ba vùng.
Ở vùng giải phóng, các cơ sở đạo tạo giáo viên được thành lập ở khắp các địa phương. Trường học được mở ở cả ba cấp 1, 2, và 3 như trường Nguyễn Văn Trỗi ở Quảng Nam, trường Hoàng Lê Kha ở Tây Ninh, trường Trừ Văn Thố ở Mỹ Tho, trường Lý Tự Trọng ở Tây Nam Bộ... Các trường học có nhiệm vụ đào tạo lớp thanh thiếu niên cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Bên cạnh các trường còn có các lớp phân tán trong dân, đặc biệt là các lớp xóa mù chữ và bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.
Ở vùng tranh chấp, vùng tạm chiếm, trường lớp không được tổ chức quy mô nhưng các lớp học vẫn được lập ra và tổ chức cơ động, linh hoạt, liên tục thay đổi địa điểm. Lớp học dưới tán cây trong rừng, trong cơ sở nhà dân và cả dưới hầm trú ẩn, lúc học ban đêm, khi học ban ngày. Bên ngoài các lớp học luôn được bố trí lực lượng cảnh giới để kịp thời thông báo nếu có địch đến. Dù giặc Mỹ càn quét, bom đạn cày nát xóm làng, dù có những người thầy đã ngã xuống nhưng các lớp học vẫn được dựng lên.
Với hình thức tổ chức lớp học linh hoạt, cơ động, từ trường học chính quy đến các lớp bí mật, tùy vào từng vùng đã giúp cho hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân xóa được nạn mù chữ, nâng cao trình độ. Từ đó, ta đã xây dựng được lực lượng chính trị nòng cốt để nuôi dưỡng và phát triển phong trào đấu tranh chống Mỹ -Ngụy đồng thời đào tạo được thế hệ nhân lực nguồn chất lượng cho công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước sau giải phóng.
Dân trí được nâng cao đã có ý nghĩa to lớn trong việc đấu tranh với địch trên mặt trận văn hóa, đánh bại các âm mưu dùng giáo dục phục vụ cho công cuộc bình định của Mỹ. Tiểu ban Giáo dục có Phòng Truyền thông, trực tiếp phụ trách biên tập nội dung hai buổi phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh giải phóng. Ta cũng cài người vào các trường học khu đô thị, vận động giáo viên và học sinh đi theo cách mạng. Từ năm 1954, phong trào học sinh, giáo viên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, giảm học phí, tăng lương, đòi giảng dạy bằng tiếng Việt, chống khủng bố và đàn áp... diễn ra mạnh mẽ. Sang giai đoạn đầu những năm 70, các cuộc đấu tranh của học sinh, giáo viên trực diện hơn với các cuộc biểu tình phản đối văn hóa nô dịch, đòi Mỹ rút về nước, đòi hòa bình, độc lập...
Những cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, văn hóa đã góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với cuộc chiến trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao... để giành độc lập dân tộc. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển giáo dục song hành cùng cuộc chiến đã giúp ta chuẩn bị được lực lượng nhân sự vừa có trình độ cao, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.
“Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ. Trong điều kiện chiến tranh, giáo dục vẫn được quan tâm đặc biệt và được tổ chức bài bản. Giáo dục được xây dựng thành một mặt trận riêng trong cuộc chiến tranh toàn diện của dân tộc, vừa đấu tranh, vừa đào tạo nhân lực để sẵn sàng đưa đất nước đi lên ngay sau giải phóng. Đặc thù này có lẽ chỉ có ở Việt Nam,” nhà giáo Đỗ Trọng Văn nói.
Bài 2: Lớp học thời chiến và phong trào giáo dục “cơm chấm cơm”