Khẩn trương xây dựng dữ liệu tài nguyên nước để lập quy hoạch ĐBSCL

Trong kế hoạch xây dựng cần chỉ ra được những điểm quan trọng, mường tượng rõ nét hơn quy hoạch tài nguyên nước phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội Đồng bằng sông Cửu Long.
(Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN)

Cần sớm xây dựng thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ lập quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại buổi báo cáo về việc chuẩn bị xây dựng thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ lập Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cục Quản lý Tài nguyên nước diễn ra vào ngày 14/8, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Cục Quản lý Tài nguyên nước đóng vai trò là “nhạc trưởng,” chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổng hợp số liệu, dữ liệu cụ thể hóa và chi tiết hơn.

Trong kế hoạch mà Cục xây dựng cần chỉ ra được những điểm quan trọng, mường tượng rõ nét hơn quy hoạch tài nguyên nước phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội Đồng bằng sông Cửu Long.

Trình bày tổng quan về nội dung tài nguyên nước trong quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: Khoản 8 Điều 27 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch quy định phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ vùng gồm ba nội dung chính.

Đó là định hướng phân vùng chức năng của nguồn nước; định hướng các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt để bảo đảm chức năng của nguồn nước; định hướng các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

[Thúc đẩy cộng đồng vào quá trình quyết định quản trị nước sông Mekong]

Đối với tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới theo dự án Sinh kế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện hợp phần quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long của ngành.

Báo cáo nêu rõ những thách thức liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long như lũ và ngập lụt vùng thượng nguồn, xâm nhập mặn ở vùng ven biển; biến đổi khí hậu và nước biển dâng; sụt lún mặt đất; áp lực gia tăng dân số và phát triển kinh tế-xã hội; phòng chống lũ và môi trường nước và cấp nước...

Theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Quy hoạch, nội dung quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh gồm các nội dung phân bổ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Để phục vụ cho việc lập quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Quản lý Tài nguyên nước đề xuất Tổng cục Khí tượng Thủy văn cung cấp thông tin liên quan đến nhóm dữ liệu về khí tượng, thủy văn, hải văn; Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam cung cấp các thông tin, số liệu quan đến nhóm dữ liệu thượng nguồn; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia cung cấp thông tin số liệu về nhóm dữ liệu nước dưới đất; Cục Biến đổi khí hậu cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến nhóm dữ liệu về biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để thu thập dữ liệu về các loại hình tác hại do nước gây ra.

Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia nhấn mạnh, Nghị định số 37 chỉ nêu phương hướng nên trong quá trình triển khai phải tính toán tới điều kiện và trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương cho phù hợp.

Với tư cách là cơ quan quản lý về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thể hiện vai trò trong thẩm định nội dung quy hoạch tài nguyên nước; phải quản lý được đầu nguồn, làm trọng tài trong việc phân bổ nguồn nước.

Chính vì vậy, cần thiết phải đánh giá hiện trạng trong quy hoạch, cụ thể, phải phân vùng quy hoạch cho đúng và phân bổ nguồn nước phù hợp với thực tế. Đặc biệt, cần tính toán tổng lượng tiềm năng nguồn nước vùng quy hoạch.

Ngoài ra, cần đánh giá hiện trạng và khai thác xả thải vào nguồn nước; xác định nguồn nước dự phòng phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt.

“Đối với Đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý tác động của biến đổi khí hậu, khai thác thượng nguồn và nguồn nước trong nội địa. Tiếp theo là dự báo nhu cầu sử dụng nước cần chính xác bởi đây là nội dung quan trọng để có quy hoạch, phân bổ nguồn nước đúng và phù hợp,” ông Tống Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Viện Khoa học Tài nguyên nước cũng đã đóng góp ý kiến để việc tổng hợp số liệu, dữ liệu tài nguyên nước phục vụ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục