Khẩn trương xác minh tin 'trục lợi' từ việc tiêu hủy lợn tại Hải Dương

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh hiện tượng "trục lợi" từ việc tiêu hủy lợn tại xã Bình Lãng, Tứ Kỳ, Hải Dương.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh hiện tượng "trục lợi" từ việc tiêu hủy lợn tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Theo phản ánh này, tại địa phương có tình trạng "nhiều hộ dân, dù không có chuồng trại hoặc có chuồng trại để nuôi gà, thỏ... cũng khai báo có lợn chết để được hỗ trợ. Thậm chí, có hộ còn đánh tráo hoặc dùng một đàn lợn nhưng khai báo nhiều lần để trục lợi trên chính những con lợn bệnh. Hiện tượng này khiến nhiều người dân địa phương không giấu được nỗi bức xúc vì nghi ngờ có sự gian lận."

Chiều 21/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hỏa tốc đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương khẩn trương xác minh nội dung báo chí phản ánh nêu trên. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi từ việc tiêu huỷ đàn lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi (nếu có).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 27/5/2019.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ... để sớm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Tính đến ngày 21/5, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi; trong đó Hà Giang và Bình Dương là hai tỉnh mới nhất phát sinh ổ dịch tả lợn; số lượng lợn tiêu hủy tại các tỉnh có dịch hơn 1,5 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn.

[Dịch tả lợn châu Phi: Không đợi đến khi có dịch mới phòng, chống]

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai quyết liệt, khá đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi.

Vì vậy, phòng, chống tốt và tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là công việc cấp bách và rất quan trọng đối với các địa phương hiện nay./.

Tin cùng chuyên mục