Khẩn trương tìm kiếm nguồn thuốc khi bệnh tay chân miệng tăng nhanh

Tình hình bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến khá phức tạp, các ca bệnh nặng tăng cao so với các năm trước nên nhu cầu sử dụng thuốc Immunoglobulin cũng tăng đột biến.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các tỉnh thành phía Nam đang có sự gia tăng nhanh số ca mắc bệnh tay chân miệng, số ca nặng và số ca tử vong. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng gần 150% trong một tháng qua, trong đó có nhiều ca trong tình trạng nặng. Từ đầu năm đến nay đã có 7 trẻ tử vong vì tay chân miệng ở phía Nam.

Theo các chuyện gia, đáng lưu ý khi hai loại thuốc dùng trong điều trị bệnh tay chân miệng có thể gặp khó khăn trong cung ứng giai đoạn tiếp theo nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng.

Nguồn nguyên liệu sản xuất Immunoglobulin bị hạn chế

Ngày 30/6, theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đang khẩn trương tập trung chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược nỗ lực tìm kiếm nguồn cung và khẩn trương nhập khẩu thuốc Immunoglobulin về Việt Nam sớm nhất để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của các bệnh viện khi số lượng các ca bệnh tay chân miệng đang tăng cao.

[TP.HCM đối mặt nguy cơ thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng]

Trước đó, ngày 23/6/2023, Cục Quản lý Dược đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện. Tuy nhiên, do tình hình bệnh tay chân miệng vẫn đang có dấu hiệu tăng cao, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu đảm bảo cung ứng thuốc theo nhu cầu của các bệnh viện trong thời gian sắp tới.

Đối với các thuốc điều trị khác, trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung ứng thuốc bị hạn chế, Bộ Y tế đã có sẵn phương án để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động lên phương án dự trữ, mua sắm và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp thiếu nguồn cung để đảm bảo công tác điều trị và phòng bệnh.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết thêm hiện nay, các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua có tình trạng thiếu cục bộ thuốc tiêm truyền tĩnh mạch Immunoglobulin. Immunoglobulin là thuốc sinh phẩm, được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đặc biệt là huyết tương trong máu người. Do đó, việc sản xuất thuốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng nguyên liệu.

Theo thông tin từ các cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân đi hiến máu giảm xuống đáng kể dẫn đến tình trạng nguồn nguyên liệu sản xuất Immunoglobulin cũng bị hạn chế trong thời gian dài. Do đó, số lượng thuốc sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị trên phạm vi toàn cầu.

Hơn 12.600 ca mắc tay chân miệng

Theo số liệu Thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 12.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Trong một tháng qua (từ ngày 19/5-18/6/2023), cả nước có 5.383 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, tình hình bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến khá phức tạp, các ca bệnh nặng tăng cao so với các năm trước nên nhu cầu sử dụng thuốc Immunoglobulin cũng tăng đột biến.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần qua (19-25/6), thành phố ghi nhận 779 ca tay chân miệng, tăng gấp đôi (116%) so với trung bình 4 tuần trước (360 ca); trong đó số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần.

Hầu hết các quận huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều có số ca mắc tăng so với trung bình 4 tuần trước (21/22 quận huyện), trừ huyện Cần Giờ có số ca mắc không thay đổi. Tuy ghi nhận số ca tăng mạnh gần đây nhưng số ca mắc tích lũy đến tuần 25 vẫn thấp hơn 47,7% so với cùng kỳ năm 2022, là 3.736 ca.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết theo phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành, hầu hết các thuốc cần cho nhu cầu điều trị tay chân miệng đang được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, hai loại thuốc có thể gặp khó khăn trong cung ứng giai đoạn tiếp theo nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng.

Trước tình hình trên, thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các hướng dẫn về chuyên môn, đôn đốc công tác phòng chống dịch, đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ứng thuốc cho điều trị bệnh tay chân miệng..., các đơn vị y tế tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất ca tử vong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục