Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ biển ở thành phố Hội An

Triều cường cao từ 2m đến trên 5m đánh vào đất ở, đất kinh doanh nhà hàng, các khu nghỉ dưỡng sát bờ biển của các hộ dân, doanh nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nhà ở của các hộ dân bị triều cường và sóng đánh sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ nếu tiếp tục có triều cường. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Các cấp chính quyền thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang tập trung lực lượng cùng các hộ dân tổ chức sử dụng bi (cống bêtông), bao đựng cát và đất để gia cố lại bờ kè, nhà ở bị sạt lở do triều cường trong đợt mưa bão vừa qua.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, do ảnh hưởng của bão số 4 và bão số 5, từ ngày 14/10 đến nay, trên địa bàn từ phường Cửa Đại đến phường Cẩm An và xã đảo Tân Hiệp xuất hiện triều cường cao từ 2m đến trên 5m đánh vào đất ở, đất kinh doanh nhà hàng, các khu nghỉ dưỡng sát bờ biển của các hộ dân, doanh nghiệp.

Hậu quả, triều cường đã làm khoảng 700 nhà ở của các hộ dân bị ngập sâu từ 0,1-0,4m.

[Mưa lớn kéo dài, Trung Trung Bộ đề phòng sạt lở đất và ngập úng]

Tại xã đảo Tân Hiệp, bờ kè Bãi Bàng bị sạt lở khoảng 10m; sạt lở các tuyến đường khoảng 100m; sạt lở ở Bãi Chồng khoảng 50m; sạt lở núi 1 đoạn dài 0,5km; sập 80m tường chắn của Tiểu đoàn HH 70...

Triều cường đã đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của các hộ dân ở các phường Cửa Đại, Cẩm An, bờ kè biển bị sạt lở, cuốn trôi khoảng 1km, rộng khoảng 100m; sạt lở kênh ngầm tưới tiêu của khối Thanh Tây (phường Cẩm Châu) khoảng 100m; sạt lở kè bảo vệ Nghĩa trang xã Cẩm Kim khoảng 80m; hư hại toàn bộ 30ha diện tích rau màu và ngã đổ, ngập úng khoảng 20.000 chậu cây cảnh...

Đặc biệt, tại phường Cẩm An, triều cường đã làm sạt lở hầu hết chiều dài bờ biển của phường, những đoạn không có kè tạm bị sạt lở sâu vào đất liền từ 3-5m, còn những đoạn có kè tạm vẫn bị triều cường và sóng đánh hư hại; thậm chí sóng và triều cường còn khoét sâu xuống dưới chân kè cuốn trôi khối lượng lớn cát ở bên trong bờ kè.

Tại khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An), do không có bờ kè tạm nên sóng và triều cường đã đánh sạt lở từ 3-5m ở Dự án Khu du lịch sinh thái ven biển 5 sao - Hội An Holiday, Dự án khu du lịch Lê Phan.

Đặc biệt, sóng và triều cường đã làm sạt lở nghiêm trọng đến nhà ở của bốn hộ dân. Chính quyền phường Cẩm An đã bố trí để các hộ dân này sơ tán đến nơi an toàn.

Nhà ở của các hộ dân bị triều cường và sóng đánh sạt lở được các hộ dân gia cố bằng bao cát, bi (cống bêtông). (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Theo nhiều người dân ở khối Thịnh Mỹ, tình hình sạt lở đã xuất hiện nhiều năm nhưng từ năm 2020 đến nay, sạt lở bờ biển ngày càng trầm trọng.

Chị Nguyễn Thị Loan (ở khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An) có nhà bị triều cường làm sạt lở nghiêm trọng và một số người dân ở lân cận cho biết từ khi tỉnh, thành phố làm 1,5km đê ngầm chống sóng từ phường Cửa Đại, phường Cẩm An vào năm 2021 và khoảng rộng giữa bờ biển và đê ngầm được bơm cát, không còn xảy ra tình trạng sạt lở.

Đối với những đoạn tuy đã được làm đê ngầm chống sóng nhưng chưa được bơm cát thì vẫn xảy ra tình trạng sạt lở.

Đặc biệt, bờ biển không có đê ngầm chống sóng, mỗi khi có mưa bão, tình trạng sạt lở bờ biển trở nên nghiêm trọng hơn.

Để phòng, chống tình trạng sạt lở bờ biển như hiện nay, chị Nguyễn Thị Loan kiến nghị tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An tiếp tục làm đê ngầm chống sóng và cho bơm cát vào khoảng rộng giữa bờ biển và đê ngầm chống sóng trải dài hết toàn bộ bờ biển của thành phố để nhân dân yên tâm sinh sống.

Theo ông Đinh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hội An, để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục làm đê ngầm chống sóng và bơm cát vào khoảng rộng giữa những đoạn bờ biển hay bị sạt lở.

Dự kiến, riêng 1km bờ biển từ phường Cửa Đại đến khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An) bị sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa bão vừa qua sẽ được làm kè cứng bằng bêtông cốt thép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục