Chiều 8/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã họp trực tuyến với các địa phương, bàn biện pháp khẩn cấp ứng phó với siêu bão Haiyan.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cơn bão Haiyan theo cơ quan chức năng Việt Nam và các cơ quan dự báo của quốc tế dự báo cơn bão này là siêu bão, là một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất trên Trái Đất; theo dự báo, cơn bão sẽ đi vào Biển Đông với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão Trung ương cho biết, vào hồi 10 giờ ngày 8/11, vị trí tâm bão Haiyan ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 123,7 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió gần nhất gần tâm bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km.
Đến 10 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 115, 2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 190km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió gần nhất vùng tầm tâm bão mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35km.
Đến 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều 8/11, vùng biển phía Đông Biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp lên 9-11, sau tăng lên cấp 13, cấp 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1816/CĐ-TTg ngày 7/11/2013 gửi các Bộ, ngành, Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau để chỉ đạo công tác đối phó với bão.
Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão Trung ương cũng đã có ba công điện cụ thể hóa Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải có sự tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng của nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân, Nhà nước.
Về tình hình tàu thuyền, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện và 385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Về tình hình an toàn hồ chứa, theo tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, trong đó có nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp.
Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Càphê có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó có nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
Về tình hình hồ thủy điện, hiện cá hồ thủy điện lớn trong khu vực đang hoạt động bình thường. Tính đến 7 giờ ngày 8/11, đã có 17 hồ thủy điện xả tràn.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử các đoàn công tác, chuyên gia để giúp địa phương trong công tác chỉ đạo, vận hành các hồ chứa và neo đậu tàu cá đảm bảo an toàn.
Bộ Ngoại giao đã có công hàm tới Đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân, tàu, thuyền của Việt Nam vào tránh trú và hỗ trợ trong trường hợp bị nạn, gặp sự cố.
Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương về công tác kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền trên biển và ứng phó với mưa lũ; có công điện chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh triển khai và báo cáo nhanh công tác chuẩn bị ứng phó với bão, mưa, lũ.
Vietnam+ tiếp tục cập nhật tình hình của cơn bão và các biện pháp triển khai khẩn cấp chống bão Haiyan./.