Khẩn trương dọn dẹp, đảm bảo cảnh quan Hoàng thành Thăng Long

Thành phố Hà Nội rốt ráo đôn đốc đơn vị thi công Nhà Quốc hội khẩn trương dọn dẹp vật liệu, các công trình làm ảnh hưởng mỹ quan khu vực Hoàng thành Thăng Long.

Chiều 29/7, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết những ngày gần đây Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch rốt ráo đôn đốc đơn vị thi công Dự án xây dựng Nhà Quốc hội khẩn trương dọn dẹp vật liệu, các công trình làm ảnh hưởng mỹ quan khu vực Hoàng thành Thăng Long.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công Dự án nhà Quốc hội đã xây dựng một số hạng mục như nhà vệ sinh, để vật liệu, nước thải, rác thải vương vãi làm mất mỹ quan, cảnh đẹp khu vực Hoàng thành Thăng Long nhưng các biện pháp phối hợp khắc phục vẫn còn chậm.

Vì vậy, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã vừa ra kết luận xử lý những vấn đề liên quan; trong đó đề nghị khẩn trương dọn dẹp, tháo dỡ công trình tạo cảnh quan sạch đẹp cho Di sản văn hóa thế giới này và ngày 30/7 là hạn chót thực hiện.

Cùng ngày 30/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra kết quả thực hiện lần cuối cùng.

Liên quan đến vấn đề bảo tồn tổng thể Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội đang thực hiện đúng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, việc bảo tồn cần được làm một cách khoa học, tỉ mỉ, đúng quy trình, pháp luật và tôn trọng lịch sử.

Để đảm bảo thực hiện dự án đồng bộ với công trình Nhà Quốc hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu được thực hiện tại khu C-D trước, đảm bảo hoàn thành đồng bộ với công trình Nhà Quốc hội vào quý 3/2014.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) là chủ đầu tư ủy quyền thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu theo quy định của Nghị định 70/NĐ-CP của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có báo cáo đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thẩm định nội dung của dự án trước khi phê duyệt.

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội đồng thẩm định mời các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa, di sản, khảo cổ, kiến trúc đánh giá có ý kiến về Hồ sơ dự án.

Trên cơ sở văn bản thẩm định thỏa thuận phê duyệt dự án của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Quyết định về việc phê duyệt dự án và kế hoạch đấu thầu Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội với tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng; chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình.

Nội dung của dự án đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thỏa thuận bao gồm tháo dỡ các công trình tạm; xử lý và lấp hố khảo cổ; san nền; xây dựng sân, đường giao thông nội bộ và hạ tầng kỹ thuật gồm cấp thoát nước, cấp điện và chiếu sáng, cây xanh, cảnh quan; sửa chữa mái công trình nhà D4, D6.

Riêng về nội dung phần việc xử lý và lấp các hố khảo cổ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chấp thuận để giao Viện Khảo cổ học thực hiện phần việc xử lý và lấp hố khảo cổ (bao gồm các việc chính là lập sa bàn để phục vụ nghiên cứu trên bề mặt ở giai đoạng 2, lấp hố khảo cổ).

Ngày 5/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có Công văn số 4046/UBND-KHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế thực hiện công việc lấp cát bảo tồn các hố khảo cổ và lập sa bàn các hố khảo cổ khu C, D thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Hiện nay, Ban quản lý Dự án Nhà Quốc hội đã làm việc với Viện Khảo cổ học chuẩn bị các điều kiện sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức triển khai thực hiện ngay.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu đơn vị thi công phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành-Thăng Long bảo vệ di sản trong quá trình thi công Dự án hạ tầng khu di tích 18 Hoàng Diệu như sau: Dọn dẹp mặt bằng, chuyển rác thải phát sinh do phá dỡ các công trình cũ trên khu đất. Do thời tiết mưa nhiều, khi phá dỡ các nền nhà cũ, nạo nền đất cũ để làm đường dạo luôn quan tâm đến tiêu úng, đào đến đâu chuyển ngay đi đến đấy. Duy trì máy bơm bơm nước thường xuyên dưới các hố khai quật; duy trì công nhân vệ sinh vớt rêu, bảo quản hố đào. Đôn đốc Viện Khảo cổ học chuẩn bị Dự án, phương án thi công, nhân lực... để khẩn trương san lấp bảo tồn các hố khai quật khảo cổ học.

Tới đây, do vào mùa mưa, các đơn vị thi công tiếp tục tập trung nhân lực, thi công nhanh hệ thống đường dạo, rãnh thoát nước mặt và tôn nền; đảm bảo làm gọn, dọn sạch. Việc quan trọng nhất là cần khẩn trương san lấp bảo tồn các hố đào không có mái che.

Theo kế hoạch, toàn bộ dự án hạ tầng này phải hoàn thành trước tháng 10/2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục