Khẩn trương cấp Giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè tại Đắk Lắk

Đắk Lắk cần có giải pháp trong bối cảnh việc nuôi trồng thủy sản tự phát không chỉ đứng trước rủi ro thiệt hại nặng khi xảy ra thiên tai, mà còn ảnh hưởng hoạt động thủy điện trên sông Sêrêpốk.
Vị trí nuôi cá lồng bè ở buôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana nằm hoàn toàn trong phạm vi lòng hồ thuỷ điện Buôn Kuốp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Những năm gần đây, tình trạng nuôi trồng thủy sản không phép diễn ra phổ biến trên sông Sêrêpốk (đoạn chảy qua huyện Krông Ana - tỉnh Đắk Lắk).

Hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát không chỉ đứng trước rủi ro thiệt hại nặng khi xảy ra thiên tai mà còn ảnh hưởng đến quá trình vận hành hồ chứa thủy điện trên sông Sêrêpốk.

Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để thực thi các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu những hệ lụy từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát gây ra.

Người nuôi “đánh bạc với trời”

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Krông Ana, trên địa bàn có hai địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng bè là xã Ea Na và thị trấn Buôn Trấp mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Hộ đầu tiên nuôi cá lồng bè từ năm 2015. Đến nay, trên địa bàn có 14 hộ với 218 lồng, sản lượng khoảng 267 tấn/năm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, tất cả hộ nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk, đoạn qua huyện Krông Ana đều chưa hoàn thiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Một người dân có thâm niên nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk cho biết, việc nuôi trồng thủy sản trên sông Sêrêpốk khá thuận lợi khi tận dụng lợi thế của hai con sông lớn chảy qua là sông Krông Nô và sông Krông Ana hợp thành, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Tuy nhiên, nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk cũng như “đánh bạc với trời” và có thể “trắng tay” chỉ sau một cơn lũ.

Vào mùa khô những năm hạn hán, mực nước xuống thấp kèm theo nắng nóng dễ dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt do thiếu oxy. Vào mùa mưa, người dân cũng đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề khi lũ lớn tràn về.

Cụ thể, năm 2016 lũ lớn tràn về gây thiệt hại nặng hơn 2 tỷ đồng... Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông cũng chỉ thông báo với chính quyền địa phương và chưa thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp phép theo quy định.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Na H Duyên Ksơr cho biết sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn xã khoảng 7km. Toàn xã có tám hộ nuôi trồng thủy sản với 114 lồng bè.

Vị trí nuôi cá lồng bè ở buôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana nằm hoàn toàn trong phạm vi lòng hồ thuỷ điện Buôn Kuốp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Hiện nay, cả tám hộ đều chưa được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên đoạn sông này. Địa phương đã hướng dẫn các hộ dân liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp phép nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Chính quyền địa phương thường xuyên trao đổi để các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực này biết về nguy cơ thiên tai gây ra khi nuôi cá trên sông; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị vận hành hồ chứa thủy điện để cập nhật thông tin điều tiết nước và khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại khi nuôi trồng thủy sản trên sông - bà H Duyên Ksơr cho hay.

Hệ lụy từ nuôi cá lồng bè không phép

Theo Công ty thủy điện Buôn Kuốp, đoạn sông Sêrêpốk qua xã Ea Na hiện nay có hai vị trí nuôi cá lồng bè ở buôn Ea Tung và thôn Quỳnh Ngọc 1. Riêng vị trí nuôi tại buôn Ea Tung nằm hoàn toàn trong phạm vi lòng hồ thủy điện Buôn Kuốp.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 22 Nghị định 114/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ "về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước," hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi lòng hồ phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp cho biết, việc nuôi cá lồng, bè không được cơ quan chức năng cấp phép, vị trí nuôi không phù hợp, nhất là những lồng, bè nằm trong khu vực phạm vi lòng hồ, thượng nguồn hồ chứa, hạ lưu dọc sông của hồ chứa đều đứng trước nguy cơ tổn thất nặng nề khi xảy ra tình huống thiên tai.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, mỗi mùa mưa lũ đều gây thiệt hại cho người dân nuôi cá trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Ea Na.

Mặt khác, trong trường hợp lồng bè bị trôi về phía công trình hồ chứa cũng rất nguy hiểm và hậu quả khó lường; nhất là ảnh hưởng đến việc vận hành các cửa van xả và đảm bảo an toàn công trình.

Theo ông Nguyễn Đức, trước mỗi mùa mưa lũ, công ty phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hành lang thoát lũ, trong đó có những khu vực nuôi cá lồng bè.

Đơn vị đề nghị các địa phương phổ biến với nhân dân trong vùng thời kỳ mùa lũ của khu vực là từ tháng Tám đến tháng 11 để có kế hoạch nuôi trồng phù hợp, nhất là thu hoạch trước khi lũ về.

Bên cạnh đó, về quá trình vận hành các hồ chứa, công ty cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương cung cấp mọi thông tin liên quan tình hình mưa lũ, điều tiết nguồn nước.

Đồng thời, đơn vị thiết lập 24 trạm cảnh báo dọc sông Sêrêpốk; công khai thông tin vận hành hồ chứa trên website để thông báo nhanh đến người dân, cơ quan chức năng theo dõi, có biện pháp ứng phó phù hợp, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vị trí nuôi cá lồng bè ở buôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana nằm hoàn toàn trong phạm vi lòng hồ thuỷ điện Buôn Kuốp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông Sêrêpốk, Công ty thủy điện Buôn Kuốp kiến nghị chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi cá để giảm thiệt hại tối đa khi xảy ra mưa lũ.

Đối với khu vực phạm vi lòng hồ chứa, theo quy định hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, công ty kiến nghị chính quyền địa phương hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy định về đăng ký và cấp phép.

Các hoạt động nuôi cá ngoài vùng lòng hồ, dọc sông cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nhất là Luật Thủy sản và các nghị định liên quan.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản-Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, việc nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông Sêrêpốk (đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã diễn ra nhiều năm nay.

Điều này gây ra nhiều hệ lụy như: Làm cản trở giao thông và nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, tiềm ẩn rủi ro về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… do không được quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản.

Khi xảy ra thiên tai, người nuôi trồng thủy sản tự phát không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định khi hoạt động chưa tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát cũng gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước; nhất là việc thống kê số liệu, quản lý số lượng, sản lượng nuôi trồng cũng như công tác chỉ đạo, điều hành và hoạch định các chính sách liên quan.

Theo Chi cục Thủy sản, những năm trước đây, việc cấp Giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè gặp vướng mắc khi thủ tục hành chính yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao, cho thuê đất/mặt nước hoặc hợp đồng cho thuê để nuôi trồng thủy sản” theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Tuy nhiên, ngày 4/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trong đó, bãi bỏ nội dung yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao, cho thuê đất/mặt nước hoặc hợp đồng cho thuê để nuôi trồng thủy sản” khi đăng ký xác nhận nuôi thủy sản lồng bè.

Ông Nguyễn Văn Thảo cho rằng, Nghị định số 37 của Chính phủ đã gỡ “nút thắt” trong thủ tục hành chính về đăng ký và cấp Giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè. Do đó, chính quyền các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện việc giao, cho thuê đất có mặt nước trên sông để nuôi trồng thủy sản đảm bảo theo quy định để làm cơ sở thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực này cũng như giao thông đường thủy đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian triển khai các thủ tục hành chính cấp Giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, giám sát người nuôi trồng phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, phòng, chống thiên tai và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục