Nằm trên địa bàn xã Huổi Só trong vùng cao nguyên đá của huyện Tủa Chùa (Điện Biên), hang động Pê Răng Ky dài 800m, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, giấu mình dưới chân vách đá, giữa một vùng núi non hùng vĩ, điệp trùng.
Nhiều năm qua, hang động Pê Răng Ky đã trở thành một địa điểm du lịch, cuốn hút biết bao du khách trong và ngoài tỉnh tìm về để chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp kỳ bí, nguyên sơ của di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia này.
Để đến được xã Huổi Só- một trong hai xã của huyện Tủa Chùa có sông Đà chảy qua, chúng tôi phải vượt gần 20km đường đèo để đến trung tâm xã Xá Nhè. Tiếp tục men theo sườn núi hướng đông bắc, đi cắt dãy núi Tả Hủ Tráng bằng đường Tủa Thàng-Huổi Só, rồi vượt qua đèo Tà Si Láng hơn 10km nữa, chúng tôi mới tới được Huổi Só - xã xa nhất của huyện Tủa Chùa với cung đường dài 50km.
Hang động Pê Răng Ky nằm cách trung tâm xã Huổi Só khoảng gần 30km. Để đến được danh lam thắng cảnh đẹp bậc nhất nhì trong hệ thống hang động trên địa bàn tỉnh Điện Biên này, chúng tôi phải tiếp tục hành trình “phượt” trên cung đường đèo uốn lượn bên vách đá, dưới thảm rừng xanh, đi qua 5/9 bản của xã Huổi Só có diện tích tiếp giáp dọc lưu vực sông Đà.
[Pha Đin - món quà vô giá thiên nhiên ban tặng cho Tây Bắc]
Con đường này cũng cho chúng tôi vô vàn những khám phá, trải nghiệm thú vị. Nếu các bản tái định cư Thôn 1, thôn 2 cho chúng tôi tận mắt chứng kiến nhịp sống, sự đổi thay của bản làng tái định cư của cộng đồng dân tộc Dao tại các bến sông tấp nập cảnh thuyền bè cập bến, ngược xuôi trên sông Đà thì bản Tênh Phông lại “vẽ” nên trước mắt chúng tôi một kiệt tác. Ở đoạn này, lưu vực sông Đà vặn mình uốn lượn, lấn sâu vào nội địa tạo nên vùng “vịnh” nhỏ, nước màu xanh thẳm.
Cây cầu treo Pa Phông bắc qua vùng “vịnh” tạo một điểm nhấn ấn tượng cho khung cảnh thiên nhiên hòa hợp, kỳ vĩ. Hai bên cầu treo là những vách đá dựng đứng, cao ngút. Tại đây, với khí hậu mát mẻ, địa chất, địa mạo độc đáo đã quần tụ, hình thành nên một vùng có đa dạng sinh học độc đáo.
Rời bản Tênh Phông, vượt qua bản Huổi Ca, xuôi theo hành trình khoảng 10km nữa, chúng tôi đặt chân đến bản Huổi Lóng, nơi có hơn 170 hộ với hơn 870 nhân khẩu là đồng bào người Dao sinh sống. Bản Huổi Lóng nằm ven dòng Đà Giang, cạnh “ngã ba tam tỉnh” - vùng tiếp giáp các huyện Tủa Chùa (Điện Biên), Sìn Hồ (Lai Châu) và Quỳnh Nhai (Sơn La), có bến sông Huổi Lóng là nơi duy nhất có chợ phiên tổ chức 4 phiên/tháng trên sông Đà với vô số hàng hóa, nông sản được vận chuyển bằng thuyền bè về đây tập kết, bán buôn.
Rời bến sông Huổi Lóng khoảng 5km, chúng tôi đã đến hang động Pê Răng Ky - danh thắng được hình thành từ những kiến tạo địa chất hàng triệu năm qua. Hang động có tất cả 3 khoang, mỗi khoang đều có một vẻ đẹp kỳ bí riêng.
Khoang thứ nhất dài hơn 100m, rộng 7-10m, cao 8-10m, nền hang động là những cột đá to đường kính 1,2 m, cao khoảng 10m có màu vàng nhạt, hình thù như ngọn đèn hải đăng, cây nấm khổng lồ. Hai bên vách hang động là những dải nhũ đá màu xám, bám vào nhau tạo thành hình những công cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc; một số nhũ giống hình các con vật…
Đặc biệt, trên trần hang động, nhũ đá mang nhiều hình thù kỳ lạ, đẹp mắt hiện lên như một kỳ quan bí ẩn, hùng vĩ, thách thức niềm đam mê khám phá của du khách. Khoang thứ hai có chiều dài 320m, rộng 10-15m, cao 10-17m.
Nền hang động là những khối nhũ đá cao lớn, màu trắng, xanh xám hình cây nấm, cây thông và những hình thù san hô, tượng phật, chiếc ô… nằm xen nhau như được dát ánh vàng, tạo không gian thêm lung linh, huyền ảo. Hai vách hang động là những gườm đá dài, nguy nga và lộng lẫy, khi gõ vào có âm thanh khác nhau. Khoang thứ ba dài hơn 400m, cao 20-25m, rộng 15-20m, có cấu trúc như một quần thể kiến trúc cổ xưa với nhiều cột đá, trụ đá, măng đá to, cao vút mang vẻ đẹp cổ kính.
Trên vòm hang động là những nhũ đá lấp lánh ánh sáng. Nền hang động là những tảng đá lớn, gồ ghề hình ô vuông lớn, những đường chéo tựa như chiếc bàn cờ. Vách hang động là những dải nhũ lớn tựa bức tranh của thiên nhiên kỳ thú.
Cuối hang động có hồ nước rộng khoảng 8m2, nước trong, mát lạnh, được bao quanh bởi vẻ đẹp lộng lẫy và kì thú của rừng thạch nhũ phong phú, đa dạng về kích cỡ, hình thù.
Ông Vừ A Ký, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết hang động Pê Răng Ky là hang động tự nhiên, được hình thành từ những kiến tạo địa chất hàng triệu năm, người dân bản địa phát hiện vào năm 2014.
Ngày 29/12/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 5378/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Danh lam thắng cảnh Hang động Pê Răng Ky là di tích cấp quốc gia. Đây là tiền đề để huyện Tủa Chùa nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung phát triển du lịch, thu hút du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.
Ðể bảo vệ và khai thác tiềm năng, lợi thế của hang động Pê Răng Ky, Phòng Văn hóa-Thông tin phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền xã và các hộ dân sinh sống lân cận khu vực di tích cam kết không xâm hại đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu vực; bảo vệ hang động trước những tác động xấu của môi trường tự nhiên, xã hội; ngăn chặn, xử lý mọi hành vi xâm hại, lấn chiếm đất di tích./.