Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An không chỉ là Khu Dự trữ Sinh quyển lớn nhất Việt Nam, có giá trị về khoa học, môi trường mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần được bảo tồn và phát triển.
Ngày 18/9/2007, Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới.
Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An có diện tích 1.303.285ha, bao gồm 3 vùng lõi: Vườn Quốc gia Pù Mát (là trung tâm) và 2 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây Nghệ An và toàn bộ lưu vực đầu nguồn sông Cả với 3 chi lưu quan trọng là sông Hiếu, sông Nậm Nơn, sông Nậm Mộ.
Đa dạng sinh học
Khu Dự trữ Sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác.
Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt-Lào.
Là khu vực giàu tài nguyên đa dạng sinh học vào loại bậc nhất của cả nước, Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An có nhiều loài sinh vật quý hiếm, phần lớn các loài sinh vật mới đều được phát hiện tại đây.
[Khám phá Langbiang - Khu Dự trữ Sinh quyển đầu tiên tại Tây Nguyên]
Thực vật có khoảng 3.961 loài, trong đó khoảng 3.019 loài thực vật có mạch; có 942 loài động vật có xương sống lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có nhiều động, thực vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam và quốc tế.
Đặc biệt, Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An được xác định là một trong ba khu vực trong cả nước hiện đang tồn tại quần thể voi châu Á có số lượng tốt nhất theo quy mô đàn.
Giá trị văn hóa nổi bật
Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An là nơi có tính đa dạng về văn hóa dân tộc lớn nhất trong số các Khu Dự trữ Sinh quyển ở Việt Nam. Trong đó, đặc biệt có 2 dân tộc chỉ có ở Nghệ An và đang trong tình trạng bị suy thoái, mai một nghiêm trọng về bản sắc văn hóa, là dân tộc Đan Lai (còn khoảng 3.000 nhân khẩu ở huyện Con Cuông) và dân tộc Ơ Đu (còn khoảng 570 nhân khẩu ở huyện Tương Dương).
Sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số là đặc trưng lớn nhất và là niềm tự hào của miền Tây Nghệ An. Đây là miền đất, ngôi nhà chung của 6 dân tộc anh em sinh sống lâu đời và hiện vẫn lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và các di tích lịch sử-văn hóa quan trọng gắn với quá trình phát triển.
Nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hóa bản địa đặc sắc.
Nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa (đền, chùa, lễ hội) đã được trùng tu, phục hồi và đang phát triển tốt thông qua việc huy động nguồn lực theo hình thức xã hội hoá như di tích và lễ hội đền Choọng (huyện Quỳ Hợp), lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), đền Vạn-Cửa Rào (huyện Tương Dương), lễ hội Hang Bua (huyện Quỳ Châu), lễ hội Mường Ham (huyện Quỳ Hợp)...
Người dân, doanh nghiệp địa phương với sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền đã đóng góp các nguồn lực để tôn tạo di tích và phục hồi các lễ hội, tập tục văn hóa truyền thống, từ đó thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận đến thăm quan và sinh hoạt tín ngưỡng.
Tiềm năng du lịch
Các đặc trưng về sự giàu có, phong phú của đa dạng sinh học và tính đa dạng, độc đáo về văn hóa là nguồn lực tự nhiên, văn hóa nổi bật nhất của Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới miền Tây Nghệ An và là tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng.
Các loại hình du lịch hiện nay đang được tỉnh Nghệ An khai thác và có nhiều triển vọng phát triển, bao gồm du lịch sinh thái, thăm quan thắng cảnh (Vườn Quốc gia Pù Mát, thác Kèm-Con Cuông); Du lịch Văn hóa- Cộng đồng (tham quan hệ sinh thái làng, bản xen lẫn các suối nước, ruộng bậc thang của người Thái, người Đan Lai ở Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong); Du lịch Mạo hiểm-khám phá rừng (Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn Tự nhiên Pù Hoạt, Pù Huống); Du lịch Nghiên cứu Khoa học (quan sát và chụp ảnh động, thực vật).
Các sản phẩm bản địa như các bài thuốc quý, thủ công mỹ nghệ được khai thác nguyên liệu từ tự nhiên (thổ cẩm, hàng đan lát thủ công..), các sản vật đặc thù (chanh leo, thảo đậu khấu, cam...) cũng có tính hấp dẫn cao đối với du khách.
Kể từ năm 2007, sau khi được công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển, hoạt động du lịch tại khu vực miền Tây Nghệ An có nhiều bước phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương, đặc biệt tại các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp.
Khoảng từ năm 2010, hoạt động du lịch ở khu vực Khu Dự trữ Sinh quyển có sự chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch dần được đầu tư với sự tham gia của doanh nghiệp.
Đề án phát triển du lịch miền Tây Nghệ An đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng theo hướng mở rộng các tuyến điểm du lịch, chú trọng vào loại hình du lịch sinh thái, văn hóa và tăng cường quảng bá đến thị trường khách quốc tế.
Tỉnh Nghệ An có chủ trương phát triển đô thị theo hướng sinh thái và dự kiến thí điểm tại huyện Con Cuông cũng như định hướng cho các huyện, thị khác. Du lịch sinh thái và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh sẽ là điểm nhấn quan trọng trong phát triển bền vững ở Khu Dự trữ Sinh quyển Tây Nghệ An./.