Khám phá văn hóa Tây Nguyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Những nét sinh hoạt văn hóa dân gian của một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên như Xơđăng, Brâu, Bana... sẽ được giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Tham gia trò chơi kéo co tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Sáng 13/2 (tức mùng 6 Tết Bính Thân 2016), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình Vui Xuân Bính Thân với nhiều hoạt động thu hút du khách trong những ngày đầu năm mới.

Chương trình năm nay giới thiệu đến công chúng những nét sinh hoạt văn hóa dân gian của một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên như Xơđăng, Brâu, Bana...

Từ 19 giờ mùng 6 Tết, công chúng có cơ hội thưởng thức những chương trình như cồng chiêng, xoang, hát giao duyên, múa tứ linh, múa rối nước, đốt pháo bông. Đặc biệt, có hát kể Sử thi Tây Nguyên, giúp công chúng giao lưu trực tiếp với nghệ nhân để tìm hiểu, khám phá tri thức dân gian về kho tàng Sử thi Tây Nguyên.

Thông qua các hoạt động trình diễn, công chúng được thưởng thức, giao lưu trực tiếp với người dân địa phương cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa. Các hoạt động trình diễn phong phú, đa dạng như chiêng tha, đàn bôông bôông, đinh pú, goong ting của người Brâu; hát giao duyên, dân ca, klông pút, tơrưng của người Xơđăng; cồng chiêng, xoang của người Bana...

Các trò chơi dân gian như cọp bắt dê của người Raglai, đi cà kheo của người H’mông, Sán Chay, Bana, Xơđăng; lăn bưởi của người Si La; đứng tượng, bịt mặt tìm người của người Giarai, bắt sỏi của người Êđê... Người Brâu sẽ trình diễn cách làm một số nhạc cụ truyền thống.

Trước nhà Cánh diều, nghệ nhân đến từ làng Xuân Lai, Xuân Thu (Hà Nội) giới thiệu ý nghĩa và cách chơi trò kéo co - nghi lễ và trò chơi vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân đến từ Hải Phòng sẽ trình diễn và hướng dẫn du khách cách chơi pháo đất. Những người thích thư pháp có thể xin chữ nhân dịp đầu năm mới và tìm hiểu ý nghĩa của các chữ. Người yêu tranh Tết thì gặp gỡ nghệ nhân in tranh Đông Hồ, dòng tranh nổi tiếng của người Việt ở Bắc Ninh và cũng có thể tự tay in bức tranh mà mình yêu thích.

Với chủ đề khám phá 12 con giáp, các em nhỏ có thể nặn tò he, vẽ và tô tranh, nhất là tranh về những chú khỉ con tinh nghịch.

Hương vị ẩm thực độc đáo của một số dân tộc ở Kon Tum cũng tạo sức hút đối với du khách dịp đầu Xuân với món gỏi lá, thịt nướng, gà nướng, cơm lam, bò một nắng chấm với muối trứng kiến, rượu cần...

Những món ăn mang đặc trưng của người Thái đến từ Yên Bái như thịt, cá nướng, xúc xích, xôi ngũ sắc, rượu táo mèo, thịt trâu gác bếp, bánh chưng nếp cẩm sẽ làm cho không khí vui chơi thêm giàu hương sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục