Khám phá "trầm tích" Hội An để chiêm nghiệm và sống chậm

Giá trị kiến trúc của phố cổ Hội An là bề nổi, song tầng sâu của văn hóa phố cổ mới là “trầm tích" mà du khách cần khám phá và chiêm nghiệm.
Khám phá "trầm tích" Hội An để chiêm nghiệm và sống chậm ảnh 1Những ngôi nhà cổ ở Hội An lung linh trong ánh nến và đèn lồng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hội An nổi tiếng là một đô thị cổ “độc nhất vô nhị” nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.

Từ xa xưa, nhờ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa,” vùng đất cổ xưa này đã từng là thương cảng quốc tế sôi động trong suốt thế kỷ thứ 17 cho đến thế kỷ thứ 18.

Điều may mắn là Hội An chẳng những tránh được sự tàn phá của chiến tranh, mà còn không bị sự tác động của làn sóng đô thị hóa kể từ năm 2000 trở lại đây. Vì vậy, thành phố vẫn lưu giữ gần như vẹn nguyên những giá trị kiến trúc và nền văn hóa độc đáo vốn có, nên đã và đang trở thành tâm điểm du lịch đặc sắc của miền duyên hải miền Trung đối với mọi du khách trong và ngoài nước.

Môi trường du lịch thân thiện

Đặt chân đến thành phố Hội An đúng vào dịp nơi đây đang tổ chức “Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 13 năm 2015,” trong ba ngày diễn ra giao lưu, du khách “no mắt” bởi nội dung rất phong phú và được tổ chức chu đáo đến từng chi tiết, bao gồm giao lưu hợp tác 12 năm Việt Nam-Nhật Bản; Hội thi tài hoa Nghề mộc; Đua thuyền Việt Nam-Nhật Bản-Du khách; trưng bày giới thiệu truyện tranh hoạt hình Nhật Bản; trải nghiệm mặc trang phục cosplay; giao lưu nghệ thuật Bonsai Hội An-Nhật Bản...

Đặc biệt tại Cầu Chùa (còn có tên gọi là Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều), được các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ thứ 17, du khách trong và ngoài nước tấp nập đổ đến chiêm ngưỡng, từng dòng người xếp hàng theo hướng dẫn viên đi trên cây cầu cổ một cách trật tự và cẩn trọng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng giá trị kiến trúc của phố cổ Hội An là bề nổi, song tầng sâu của văn hóa phố cổ mới là “trầm tích" mà du khách cần khám phá và chiêm nghiệm.

Do đó, ngoài việc bảo tồn và tôn tạo vẹn nguyên kiến trúc của từng căn nhà, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân Hội An lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa của mình cho mọi thế hệ. Đó là nếp sống bình dị, thân thiện, coi trọng tình người hơn vật chất đơn thuần. Đấy chính là bí quyết níu giữ du khách của vùng đất cổ xưa này.

Đồng thời, thành phố liên tục tổ chức những sự kiện giới thiệu với du khách lịch sử, đất nước, con người Hội An với nhiều nội dung sống động, lôi cuốn mọi người đều có thể tham gia một cách ngẫu hứng và đam mê.

Vì vậy, có những du khách Nhật Bản như gia đình anh Shimabukuro trong ba năm liên tục đều chọn Hội An là điểm đến du lịch. Lý do anh cho biết là năm đầu tiên anh đến đây để tìm lại những dấu tích về sự giao thương của người Nhật với người Việt từ những thế kỷ trước. Năm thứ 2 đến là chiêm nghiệm, hòa đồng với văn hóa sống “chậm” của người địa phương. Còn năm thứ 3 là nhằm khám phá những bãi tắm biển tuyệt vời ngập tràn nắng gió ở Cẩm An, Cù Lao Chàm.

“Thế vẫn chưa đủ đâu, tôi và gia đình vẫn sẽ đến đây nếu có điều kiện,” anh Shimabukuro vui vẻ khẳng định. Đây là nguyên do giúp Hội An bình quân khách lưu trú tới 2,33 ngày, ít có tình trạng khách “một đi không trở lại” như nhiều điểm du lịch khác.

Để gìn giữ được bầu không khí thanh sạch cho phố cổ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An đang triển khai hợp phần xây dựng nhà máy xử lý nước thải từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp. Đồng thời, thành phố tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đầu tư hệ thống xử lý môi trường khu vực Chùa Cầu; triển khai dự án giảm thiểu rác thải theo mô hình thành phố Naha-Nhật Bản; trồng mới gần 2.000 cây xanh các loại và hàng nghìn mét vuông cây xanh công viên, nhất là thực hiện rộng rãi việc phân rác tại nguồn trên toàn thành phố được mọi cửa hàng, của hiệu và các gia đình tự giác thực hiện. Minh chứng là dù vào bất cứ nhà hàng nào nơi đây, du khách đều bắt gặp những chiếc giỏ đựng rác xinh xắn với chỉ dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh.


Nỗ lực giữ vững thương hiệu

Dân số thành phố Hội An là 89.000 người, trong đó người Kinh chiếm đa số và ​có cả cộng đồng người Hoa định cư làm ăn sinh sống từ bao đời nay, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn thẳng thắn nêu rõ du lịch-dịch vụ-thương mại của thành phố phát triển chưa cân đối, quá trú trọng phát triển dịch vụ lưu trú, bán hàng lưu niệm và ẩm thực. Còn việc tìm kiếm, tạo ra, làm mới các sản phẩm du lịch để phục vụ khách chưa có sự đột phá, kể cả tính liên kết, chuyên nghiệp trong phát triển chưa cao.

Việc huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển, phát huy tiềm năng du lịch biển-đảo chưa đạt yêu cầu, cho đến nay nhiều dự án trọng điểm về du lịch vẫn chưa được triển khai.

Để giữ vững thương hiệu du lịch của mình, thành phố Hội An thực hiện nhiều chương trình, đề án kích cầu du lịch, mở rộng không gian du lịch ra các vùng ven, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông quan trọng.

Từ một làng chài nghèo heo hút, giờ đây khách du lịch trong và ngoài nước tấp nập đổ đến bãi biển Cẩm An tham quan tắm biển, giúp cho người dân địa phương nhanh chóng “đổi đời” nhờ phát triển mô hình homestay. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư cũng ồ ạt kéo đến mua và thuê đất để xây nhà làm dịch vụ lưu trú, làm cho bộ mặt của Cẩm An tươi mới lên từng ngày, vừa mở rộng không gian du lịch, vừa góp phần giảm tải cho các phố cổ.

Các làng nghề truyền thống tiếp tục được đổi mới phát triển theo hướng tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch. Cụ thể, thành phố đã nghiên cứu tạo được một số sản phẩm mới, đặc trưng từ nguyên liệu cây ngô đồng và rong biển thu hút được sự chú ý của khách du lịch.

Vì vậy trong 6 tháng đầu năm nay​, đã có hơn 1​,1 triệu lượt khách đến với Hội An, tăng 15,25% so với cùng kỳ năm trước​, riêng khách lưu trú đạt tới 439.900 lượt người. Điều ​này chứng tỏ vùng đất cổ Hội An vẫn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục