Khám phá quy trình làm mực viết thư pháp 1.200 năm tuổi ở Nhật

Tại tỉnh Mie, có hai cha con quyết tâm và thành công khi giữ gìn được nghề truyền thống làm mực viết thư pháp có lịch sử 1.200 năm. Đó là ông Tadashi Ito, 51 tuổi, và con trai Harunobu Ito, 28 tuổi.
Khám phá quy trình làm mực viết thư pháp 1.200 năm tuổi ở Nhật ảnh 1Ông Tadashi Ito viết thư pháp bằng mực Suzukazumi. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Mực tàu của Trung Quốc sau khi đi qua Bán đảo Triều Tiên đã du nhập vào Nhật Bản và được gọi là Suzukazumi.

Trong một thời kỳ lịch sử 1.200 năm, mực viết chữ nho được sử dụng cả trong thư pháp và hội họa. Trong bối cảnh ngày càng ít người Nhật Bản viết thư pháp, nghề sản xuất mực dùng cho thư pháp ngày càng mai một.

Tại tỉnh Mie, có hai cha con quyết tâm và thành công khi giữ gìn được nghề truyền thống làm mực viết thư pháp. Đó là ông Tadashi Ito, 51 tuổi, và con trai Harunobu Ito, 28 tuổi.

Suzukazumi là sản phẩm nổi tiếng của thành phố Suzuka, tỉnh Mie, được sản xuất lần đầu tiên vào thời kỳ Edo (khoảng năm 800) và có lịch sử 1.200 năm.

Khi các ngôi trường của Thần đạo trở nên phổ biến trong thời kỳ Edo, nhu cầu về mực viết thư pháp tăng mạnh, từ đó, các cơ sở sản xuất sản phẩm này nở rộ.

Tuy nhiên, sau khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ, nhu cầu mực thư pháp đi xuống. Các trường học sử dụng các loại mực rẻ hơn được làm từ xăng trong các lớp học thư pháp. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào nghề sản xuất mực thư pháp tại Nhật Bản.

Số lượng các cơ sở sản xuất mực thư pháp tại Suzuka giảm dần. Đến năm 2015, công ty Sinseido là doanh nghiệp duy nhất sản xuất mực thư pháp tại Mie.

Ngoài Sinseido, trên toàn Nhật Bản, chỉ duy nhất tỉnh Nara còn bốn doanh nghiệp sản xuất mực thư pháp. Tuy nhiên, hiện nay, ông Tadashi Ito là người duy nhất được Chính phủ Nhật Bản công nhân là nghệ nhân truyền thống.

Khi độ tuổi trung bình của những người viết thư pháp ngày càng tăng lên, ông Ito đã cho rằng ông là thế hệ cuối cùng của gia đình theo đuổi ngành nghề truyền thống này.

Thế nhưng, một điều bất ngờ đó là con trai ông năm 2010 đã từ Tokyo trở về quê hương và bắt đầu học tập để kế nghiệp cha với mục tiêu duy nhất, không để ngành nghề có lịch sử 1.200 năm bị thất truyền.

Khám phá quy trình làm mực viết thư pháp 1.200 năm tuổi ở Nhật ảnh 2Anh Harunobu Ito đang tiến hành công đoạn ép mực thủ công. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Theo ông Tadashi Ito, nguyên liệu sản xuất mực không quá phức tạp nhưng các công đoạn tạo ra một thỏi mực đẹp, chất lượng cao đòi hỏi sự cẩn thận của người thợ.

Thợ thủ công sẽ chọn những loại gỗ đặc biệt có nhiều nhựa, sau đó đốt nhựa thu về muội than đen. Nguyên liệu thứ hai là keo được lấy từ da và xương động vật. Suzukazumi thường được làm trong mùa Đông vì thời tiết lạnh, dễ làm thỏi mực cứng lại.

Quá trình sản xuất mực được bắt đầu từ 3 giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều. Các cộng đoạn nhào bột, định hình các thỏi mực chỉ được làm trong khoảng thời gian này vì lý do nhiệt độ ổn định, khô ráo và có độ ẩm thấp.

Vào mùa mưa, do độ ẩm cao, hoạt động sản xuất mực sẽ được tạm ngừng.

Công việc đầu tiên để tạo thỏi mực mới là nung chảy keo, trộn với bột. Bột sau khi trộn với keo dạng chất lỏng sẽ trở nên dẻo như đất sét và được nhào nặn thủ công. Sau khi nhào bột đến độ thích hợp, thợ làm mực sẽ dùng khuôn để định hình các thỏi mực.

Khuôn để ép các thỏi mực, được gọi là higata, được làm từ loại gỗ đặc biệt rất cứng và chắc. Một thỏi mực được ép trung bình nặng khoảng 38g.

Sau khi nén trong khuôn được 40 phút, các thỏi mực được gỡ khỏi khuôn và cho vào hộp gỗ. Trong công đoạn làm khô mực, thợ thủ công lấy tro mịn cho vào một giá gỗ, sau đó phủ lớp giấy mỏng lên trên lớp tro mịn được san phẳng.

Các thỏi mực sẽ được xếp lần lượt trên lớp giấy. Sau khi trải qua nhiều ngày sấy khô với phương pháp trên, các thỏi mực được nối với nhau bằng rơm và lại được phơi trong các căn buồng khô ráo.

Ông Tadashi cho biết một trong những điều đặc biệt khiến cho mực Suzukazumi được đánh giá là loại mực có chất lượng tốt nhất là nguồn nước tự nhiên nằm ở ngọn núi cách cửa hàng Shinseido khoảng 300m.

Trong bối cảnh nhu cầu mực thư pháp chất lượng tốt ngày càng giảm, để có thể duy trì và tiếp tục truyền cho các thế hệ tương lai các kỹ thuật chế tạo mực thư pháp, gia tộc Ito đã nghĩ đến việc đa dạng hóa các sản phẩm có sử dụng mực tàu, phát triển việc sử dụng mực thư pháp sang các lĩnh vực mới.

Một trong những sản phẩm được ưa chuộng là sử dụng mực thư pháp tạo ra nhiều màu nhuộm với đặc trưng bền màu như mực thư pháp, sử dụng cho nhiều mục đích như nhuộm vải, nhuộm các sản phẩm da.

Với chủ trương tạo ra nhiều sản phẩm từ mực Tàu để áp dụng cho nhiều lĩnh vực của đời sống, Sinseido còn tạo ra các sản phẩm sơn dùng cho kiến trúc, thậm chí có cả kẹo bánh, nến, sản phẩm hương và bánh sử dụng mực tàu. Các sản phẩm mới này chiếm tới 20% doanh số của Sinseido.

Riêng trong năm 2016, Shinseido đã sản xuất được 15.000 thỏi mực với trung bình mỗi ngày xuất xưởng từ 300-400 thỏi. Mực viết thư pháp Suzukazumi của Sinseido rất được ưa chuộng nước ngoài đặc biệt được đánh giá cao tại Trung Quốc, nơi mà các kỹ thuật chế tạo mực thư pháp đã bị mai một.

Những khách hàng giàu có Trung Quốc mua những thỏi mực Suzukazumi với giá tới 300.000 yen/thỏi (khoảng 60 triệu đồng). Riêng thị trường Trung Quốc chiếm tới 10% doanh số xuất khẩu mực Suzukazumi của Sinseido.

Ông Tadashi Ito giờ đây đã yên tâm khi nhìn thấy nhiệt huyết với nghề gia truyền trong niềm đam mê công việc của con trai mình. Tuy nhiên, cho dù tin tưởng rằng nghề sản xuất suzukazumi có thể sẽ chưa thất truyền ít nhất là đến thế hệ anh Harunobu Ito, song ông cũng biết rằng để giữ gìn ngành nghề sản xuất mực thư pháp không chỉ cần lòng yêu nghề mà còn là sự sáng tạo và linh hoạt để mở ra thêm nhiều hướng đi mới cho nghề sản xuất mực thư pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục