Cà Mau là tỉnh cực nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Mảnh đất tận cùng của tổ quốc có ba mặt tiếp giáp với biển: phía đông là biển Đông, phía tây và phía nam là vịnh Thái Lan, phía Bắc giáp Bạc Liêu và Kiên Giang.
Cà Mau có những món quà quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng, đó là hệ thống rừng ngập mặn (rừng đước) và rừng ngập lợ (rừng tràm), có hệ sinh thái vô cùng phong phú.
Trong danh sách rừng ngập mặn thế giới, rừng ngập mặn Cà Mau chỉ đứng sau rừng Amazon của Nam Mỹ. Với tổng diện tích lên đến 63.017ha, rừng ngập mặn Cà Mau trải dài 6 huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển và Năm Căn. Phần lớn diện tích rừng ngập mặn nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và hơn 15.000ha thuộc vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Rừng đước, rừng tràm cũng là chốn sinh nhai của hàng trăm nghìn người, hầu như các hoạt động kinh tế của người dân nơi đây đều phụ thuộc vào thiên nhiên.
Không những thế, Cà Mau còn có trên 254km bờ biển với ngư trường rộng lớn, cùng với nhiều cụm đảo có vị trí chiến lược rất quan trọng như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc…, trên đảo là một quần thể động thực vật vô cùng phong phú, đặc biệt là hệ sinh thái rừng cây gỗ miền Đông rất có giá trị.
Quá trình kiến tạo hình thành nên vùng đất hình chữ V, giống một bán đảo có ba mặt giáp biển. Yếu tố địa lý này đã tạo xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của chuỗi rừng ngập mặn Cà Mau đặc trưng. Ai về cực Nam mà chẳng phải qua, phải ghé thăm rừng ngập mặn Cà Mau cho biết một lần.
Nhìn từ trên cao, rừng ngập mặn Cà Mau như một tấm thảm xanh lơ lửng giữa vòm trời.
Có thể nói rừng ngập mặn là hệ sinh thái đa dạng và đặc trưng nhất trong các hệ rừng. Về thảm thực vật, theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau năm 2006 có 22 loài cây, trong đó nổi bật nhất loại cây chịu phèn chịu mặn như đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, v.v. và có thêm các loại dương xỉ, dây leo khác. Trong đó, đước là loài cây chiếm đại đa số nên nhiều người còn gọi là rừng đước Cà Mau.
Về động vật, Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau cùng thống kê được 13 loài thú (thuộc 9 họ), 74 loài chim (thuộc 23 họ), 17 loài bò sát (thuộc 9 họ), 5 loài lưỡng cư (thuộc 3 họ), 14 loài tôm, 175 loài cá (116 giống và 77 họ), 133 loài động thực vật phiêu sinh.
Rừng trù phú tươi xanh, chim muông thú cũng sinh trưởng tốt; thế nên đến rừng ngặp mặn Cà Mau mọi người dễ dàng bắt gặp nhiều loài chim quý, có cơ hội thương thức nhiều đặc sản Cà Mau như cua, vọp, ba khía, cá dứa.
Đến với rừng ngập mặn Cà Mau, du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khó quên khi được tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài động-thực vật quý hiếm, đa dạng và cùng hoà mình vào thiên nhiên hoang dã, trong lành. Du khách còn có dịp khám phá bến Vàm Lũng - nơi mở đường Hồ Chí Minh trên biển, được ngắm nhìn đảo Hòn Khoai, bãi Khai Long, tìm hiểu những trận đánh tàu trên sông Tam Giang.
Không chỉ vậy, khách tham quan còn đắm mình nghe kể chuyện “cất nước từng lon, đói ăn trái mắm” của cư dân Rạch Gốc, Tân Ân; được xem câu cá dứa, bắt cua, ốc len, sò, vọp… dưới tán rừng; thưởng thức các món ăn đặc sản của rừng, của biển…
Trong cuộc hành trình khám phá rừng ngập mặn Cà Mau, du khách cũng thường dừng chân nơi Mũi Cà Mau - điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc Việt Nam với các điểm biểu tượng như cột mốc quốc gia có ngôi sao 5 cánh ghi số hiệu GPS 0001, biểu tượng Mũi Cà Mau có ghi tọa độ 8037’30” độ vĩ Bắc-104043’ độ kinh Đông.
Đứng từ Mũi Cà Mau, ngắm toàn cảnh rừng ngặp mặn, biển Đông rộng lớn, cụm đảo hòn khoai ẩn hiện từ phía xa du khách sẽ không khỏi choáng ngợp bởi không gian mênh mông của rừng, của biển nơi vùng đất này.
Cà Mau ngày nay đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách, một phần bởi mang trong mình những đặc trưng của đất phương Nam, vừa gắn với vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người con đất Việt. Thời điểm du lịch Cà Mau lý tưởng nhất là vào mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau./.