Khám phá nguyên nhân chính khiến giá hàng hóa thế giới sụt giảm

Mặc dù có một loạt các yếu tố cụ thể có thể tác động đến giá của mỗi loại hàng hóa, nhưng thực tế của việc giảm giá xảy ra trên diện rộng cho thấy tác động của những yếu tố kinh tế vĩ mô.
Khám phá nguyên nhân chính khiến giá hàng hóa thế giới sụt giảm ảnh 1Hầu hết giá hàng hóa tính bằng đồng USD đều giảm kể từ đầu năm 2014. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin "Project syndicate" ngày 15/12, giá dầu thô đã giảm 40% kể từ tháng Sáu, tin tốt đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ, nhưng là tin xấu đối với Nga, Venezuela, Nigeria và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác.

Một số người cho rằng nguyên nhân khiến giá dầu giảm là do cuộc cách mạng năng lượng đá phiến của Mỹ. Những người khác lại cho rằng nguyên nhân là do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không nhất trí được về việc hạn chế nguồn cung.

Nhưng đó không phải là những nguyên nhân chủ chốt khiến giá dầu thô giảm. Hiện nay, giá quặng sắt, vàng, bạc, platinum, đường bông và đậu tương đều giảm. Trên thực tế, hầu hết giá hàng hóa tính bằng đồng USD đều giảm kể từ đầu năm 2014.

Mặc dù có một loạt các yếu tố cụ thể có thể tác động đến giá của mỗi loại hàng hóa, nhưng thực tế của việc giảm giá xảy ra trên diện rộng cho thấy tác động của những yếu tố kinh tế vỹ mô.

Vậy những yếu tố kinh tế vỹ mô nào có thể khiến giá hàng hóa giảm? Mặc dù lạm phát ở mức rất thấp, hoặc thậm chí tụt xuống mức âm ở một số quốc gia, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Sự giải thích chung nhất là sự suy giảm kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu đối với năng lượng, khoáng chất và nông sản.

Quả thực tăng trưởng đang suy giảm và các dự báo về tốc độ tăng GDP đang được điều chỉnh giảm xuống so với hồi giữa năm nay tại hầu hết các nước trên thế giới. Nhưng Mỹ là một ngoại lệ lớn. Mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã đạt hơn 4% trong hai quý vừa qua, nhưng ngay chính tại Mỹ, giá hàng hóa tính theo đồng USD cũng đang giảm.

Thực tế trên dẫn chúng ta tới một yếu tố khác là chính sách tiền tệ, mà tầm quan trọng của các chính sách này trong việc quyết định giá hàng hóa thường bị quên lãng. Việc thắt chặt tiền tệ đang được đông đảo mọi người dự báo tại Mỹ, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng hồi tháng 10 vừa qua và dường như sẽ tăng lãi suất vào năm tới.

Có bốn kênh khiến lãi suất thực tế tác động đến giá hàng hóa thực tế. Thứ nhất, lãi suất cao làm giảm giá hàng hóa bằng việc tăng động cơ để các công ty khai thác ngay chứ không chờ đến mai sau, do vậy làm tăng tốc độ khai thác dầu thô, vàng hay đốn gỗ.

Thứ hai, lãi suất cao cũng khiến các công ty không muốn tích trữ hàng hóa. Thứ ba, các nhà quản lý danh mục đầu tư phản ứng với việc tăng lãi suất bằng cách chuyển khỏi các hợp đồng hàng hóa để dồn vào trái phiếu kho bạc. Thứ tư là lãi suất cao làm tăng giá đồng nội tệ, do vậy làm giảm giá hàng hóa được trao đổi quốc tế.

Lãi suất của Mỹ không tăng trong năm 2014, nhưng các nhà đầu cơ thường suy nghĩ trước và chuyển khỏi các hợp đồng hàng hóa bởi vì dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ tăng trong năm 2015. Triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ đang diễn ra trái ngược với các động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hướng tới việc tăng cường kích thích tiền tệ.

Hậu quả là đồng USD lên giá so với đồng euro và đồng yen. Kể từ đầu năm đến nay, đồng euro đã giảm giá 8% so với đồng USD, trong khi giá đồng yen giảm 14%. Điều đó giải thích lý do giá nhiều mặt hàng đang giảm nếu tính theo đồng USD, nhưng lại tăng nếu tính theo các đồng nội tệ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục