Khám phá nghi lễ ngày Tết của cung đình triều Nguyễn tại Văn Miếu

Triển lãm giúp người xem hiểu hơn về những nghi lễ Tết cổ truyền chốn cung đình triều Nguyễn thông qua tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Triển lãm tài liệu lưu trữ “Cung đình đón Tết" khai mạc ngày 28/01 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đưa người xem ngược về quá khứ, tìm hiểu những nghi lễ, phong tục ngày Tết của hoàng cung triều Nguyễn.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 80 tài liệu tiêu biểu về Tết Nguyên đán trong cung đình, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới, hiện do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) bảo quản.

Đáng chú ý là những hình ảnh lễ nghi trong hoàng cung, các chỉ dụ, công văn về việc chuẩn bị đón Tết. Trong đó có bút tích Hoàng đế Minh Mệnh đề từ nhân Kỷ Sửu nguyên đán (1829):

“Ba xuân xuân đến buổi đầu xuân
Mồng một ra Giêng tốt bội phần
Hổ thẹn làm vua chưa trọn đạo
Cầu trời yêu mến phúc cho dân.”

Có năm nhà vua cho dừng việc chúc Tết và ban yến vì những lý do đặc biệt chẳng hạn như biên thùy chưa yên, thời tiết không thuận. Năm Tự Đức thứ 15 (1862). Bộ Hộ và Bộ Lễ dâng bản tấu về việc: “Tết Nguyên đán sắp tới, xin dừng việc ban yến tiệc vì biên thùy chưa yên, tướng sỹ ở ngoài phải gian lao mà đình thần được ban yến thì trong lòng thực không yên, khoản yến tiệc xin tạm dừng một lần.” Vua Tự Đức phê duyệt bản tấu và viết thêm: “Nếu dừng việc ban yến thì việc chúc mừng cũng nên đình chỉ."

Khám phá nghi lễ ngày Tết của cung đình triều Nguyễn tại Văn Miếu ảnh 1Nội dung trưng bày các nghi lễ trong ngày mồng 1 Tết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Triển lãm gồm ba chủ đề: “Lễ nghi chuẩn bị đón Tết long trọng;” “Tất niên-tiễn năm cũ, đón năm mới;” “Đầu năm đón phúc, tiết xuân ban lộc và đề cao chữ Hiếu.”

[Trưng bày "Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong tài liệu lưu trữ"]

Tết Nguyên đán được coi là lễ tiết lớn nhất trong năm và cung đình đón Tết với nhiều nghi lễ long trọng, tưởng như khác xa với Tết cổ truyền trong dân gian nhưng trong từng nghi tiết, chữ Hiếu vẫn luôn được đề cao, khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc luôn được giữ gìn. Dù là quý tộc hay thường dân, thì trong những ngày Tết, công việc cũng được tạm ngưng để thưởng thức tiết Xuân ấm áp.

Việc chuẩn bị đón Tết trong hoàng cung được bắt đầu sớm, ngay từ mồng 1 tháng Chạp bằng lễ ban lịch năm mới (Lễ Ban sóc), sau đó là nghi lễ thỉnh các vị tiên đế về "ăn Tết" với triều đình (Lễ Hợp hưởng), nghi thức biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính (Lễ Phong ấn).

Khám phá nghi lễ ngày Tết của cung đình triều Nguyễn tại Văn Miếu ảnh 2Triển lãm giới thiệu đến công chúng 80 tài liệu tiêu biểu về Tết Nguyên đán trong cung đình, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chủ đề “Tất niên-tiễn năm cũ, đón năm mới” gồm những hình ảnh về ngày 30 Tết trong hoàng cung diễn ra với các nghi lễ thiêng liêng: Lễ Tuế trừ, Trừ tịch, Lễ Thượng tiêu với ý nghĩa tống tiền hết điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới.

Chủ đề “Đầu năm đón phúc, tiết xuân ban lộc và đề cao chữ Hiếu” giới thiệu với người xem hoạt động trong ngày đầu năm mới, vua đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng. Làm lễ xong, vua ngự ở điện Thái Hòa, bách quan dâng biểu mừng. Sau lễ mừng Tết, nhà vua ban yến, thưởng Tết cho các hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân.

Khám phá nghi lễ ngày Tết của cung đình triều Nguyễn tại Văn Miếu ảnh 3Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định đây là nguồn tài liệu, tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm tìm hiểu về Tết xưa trong hoàng cung triều Nguyễn. Đặc biệt hơn là triển lãm ý nghĩa này được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta.

“Tết Nguyên đán cả là dịp quan trọng nhất của người dân Việt Nam. Dù cuộc sống ngày nay có nhiều thay đổi nhưng ngày Tết với những lễ nghi truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì. Mọi người sum họp gia đình, tưởng nhớ tổ tiên. Câu nói ‘Mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ’ thể hiện truyền thống hiếu nghĩa của dân tộc ta,” Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 23/2./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục