Khám phá nét đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Bái Tử Long

Với những giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên tài nguyên đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã được Cộng đồng các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản thứ 38 trong khu vực.
Khám phá nét đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Bái Tử Long ảnh 1Toàn cảnh làng chài trên vịnh Bái Tử Long. (Nguồn: Vietnam+)

Nằm trọn trong quần thể Vịnh Bái Tử Long, Vườn Quốc gia Bái Tử Long là những núi đá vôi xen kẽ đảo đất với nhiều cánh rừng nguyên sinh thảm thực vật, động vật hoang dã, thủy sản quý hiếm, ít nơi nào có được.

Được thành lập vào ngày 1/6/2001, Vườn Quốc gia Bái Tử Long là một khu bảo tồn sinh quyển cấp quốc gia, một bảo tàng tự nhiên quý giá với sự hài hòa giữa rừng và biển, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa lịch sử.

Vườn Quốc gia Bái Tử Long bao gồm hệ thống đảo nổi vừa có núi đất, vừa có núi đá được che phủ một thảm thực vật rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh, là sinh cảnh thích nghi với nhiều động vật hoang dã.

Vườn là kho tàng tài nguyên sinh vật nhiệt đới phong phú phân bố trên các đảo núi đất, trong các thung áng và trên núi đá vôi, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của Bái Tử Long.

Với tổng diện tích 15.783ha, trong đó có diện tích rừng, đất rừng là 6.125ha và diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước 9.650ha, Bái Tử Long là một vùng đất rộng lớn với hệ sinh thái phong phú.

Quần thể đảo này gồm 80 đảo được chia thành 3 cụm đảo chính là Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu. Nếu tính cả vùng đệm thì Vườn Quốc gia Bái Tử Long nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Vân Đồn là Minh Châu, Vạn Yên, Quan Lạn, Hạ Long, Bản Sen, với tổng diện tích là 26.000ha.

[Vịnh Bái Tử Long: một vẻ đẹp hoang sơ đến ngỡ ngàng của đất Quảng Ninh]

Bái Tử Long là nơi có tiềm năng về đa dạng sinh học là đại diện điển hình cho vùng biển đảo Đông Bắc với 6 hệ sinh thái tiêu biểu: Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh trên đảo núi đất, rừng sinh thái, rừng lá rộng thường xanh trên núi đá vôi, rừng ngập mặn, rạn san hô dưới biển, thảm cỏ biển và hệ sinh thái tùng áng trong lòng núi đá vôi.

Đó chính là không gian lý tưởng để cư trú của 2.259 loài sinh vật rừng, trong số đó có 106 loài động, thực vật được phân bổ đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới.

Vườn sở hữu bộ sưu tập động vật quý hiếm của Việt Nam với 37 loài thú, 96 loài chim, 37 loài lưỡng cư và bò sát, có 109 loài cá, 15 loài tôm, 48 loài động vật đáy. Trong đó có 9 loài có tên trong sách đỏ. Nhiều loài động vật quý như lợn rừng, nai, khỉ vàng, sơn dương, báo gấm, báo lửa, tắc kè, kỳ đà vân, khỉ đuôi dài, nai.

Động vật dưới biển ở đây cũng vô cùng phong phú với 391 loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, sá sùng, hải sâm, ngọc trai, cá thu, cá nhụ, cá song, mực nang, mực ống, tôm các loại, sá sùng.

Khám phá nét đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Bái Tử Long ảnh 2Một góc đảo Quan Lạn trong vùng Vịnh Bái Tử Long. (Nguồn: Vietnam+)

Vườn Quốc gia Bái Tử Long hiện có gần 500 loài thực vật, thuộc 117 họ, trong đó có nhiều loài cây quý như kim giao, lát hoa, thông tre, sao Hòn Gai, lim xanh, sến.

Vùng lõi của Vườn Quốc gia Bái Tử Long là đảo Ba Mùn, là cụm đảo lớn nhất, rộng nhất, đẹp nhất, hệ thực vật phong phú nhất với diện tích gần 2.000m2, có những loài động thực vật đa dạng và quý hiếm nhất là loài trâm đỏ, quần thể sao Hòn Gai, đặc biệt là lan hài.

Cùng với đó còn có số lượng nai vàng khá đông, là một quần thể duy nhất ở vùng Đông Bắc Việt Nam.

Những rạn san hô dưới đáy biển tại Cửa Vành, Mang Khơi, Cái Lim Cạn có thể thu hút khách du lịch đến tham quan, tắm biển và du lịch lặn biển.

Bái Tử Long liền kề Vịnh Hạ Long nên hầu hết các giống loài động thực vật có mặt tại Vịnh Hạ Long thì cũng thấy xuất hiện ở đây. Riêng đối với hệ sinh thái hang động và tùng áng ở khu vực Bái Tử Long tập trung chủ yếu ở đảo Cái Lim và đảo Trà Bản. Nơi đây có 13 hang động và 8 tùng áng, trong đó hang Nhà Trò và hang Cái Lim là 2 hang động lớn.

Xung quanh các bờ đảo hình thành bởi các mũi đá, vách đá dốc đứng, có nhiều hang động đẹp như: Hang Cái Đé, hang Soi Nhụ. Ngoài ra, còn có các bãi cát thoải, nước nông, khuất gió, như các bãi như Chương Nẹp, Nhãng Rìa (Minh Châu), Sơn Hào (Quan Lạn).

Với những giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên tài nguyên đa dạng sinh học, năm 2016, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã được Cộng đồng các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản thứ 38 trong khu vực.

Phong cảnh thiên nhiên Bái Tử Long thơ mộng, có nhiều bãi biển hoang sơ, nhiều vũng, bãi triều đất bùn hoặc bãi cát hẹp, bãi đá cảnh quan đẹp ôm trọn trong lòng nhiều di tích lịch sử và cả di chỉ khảo cổ là nơi người Việt cổ đã cư trú từ lâu đời để lại nhiều di tích như Soi Nhụ, Ba Vũng, Đông Trong. Khu vực Bái Tử Long còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa quan trọng đã được xếp hạng.

Không chỉ giàu tiềm năng về thủy hải sản, lâm sản, Bái Tử Long còn là nơi lý tưởng phát triển du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái vừa góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học trong khu vực.

Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đề án, tỉnh sẽ ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục